Chính phủ xin phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu

(Dân trí) - Chiều ngày 23/10, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).

Phát hành thêm trái phiếu, dư nợ công, nợ Chính phủ vẫn an toàn!
Phát hành thêm trái phiếu, dư nợ công, nợ Chính phủ vẫn an toàn!

Chiều nay 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các phương án phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, phân tích đánh giá đầy đủ các mặt tác động kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nhu cầu cấp bách theo đề nghị của các bộ ngành và địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).

“Với phương án phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ”, Bộ trưởng Vinh nói.

Theo tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 170 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên).

Cùng với đó là bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng.

Vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn đối ứng các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng được bố trí 20 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.

Với phương án bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các mục tiêu nêu trên, Chính phủ cho rằng, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2014 - 2016 sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tạo môi trường thuận lợi để huy động thêm nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Cũng theo tính toán của Chính phủ, nếu đề xuất phát hành trái phiếu được thông qua, sẽ có thêm khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ 2011 - 2015 được bổ sung đủ vốn để hoàn thành; phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.

Đặc biệt, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 là 2 tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng nhất của cả nước sẽ được đầu tư hoàn thành trong 3 năm tới, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của cả nước và vùng Tây Nguyên. Tổng số giường bệnh tăng thêm trên toàn quốc kế hoạch năm 2014 dự kiến là 4.500 giường, năm 2015 là 4.500 giường, đạt chỉ tiêu tổng giường bệnh/vạn dân là 22,5 (năm 2014) và 23 (năm 2015)…

Đánh giá về tác động đối với lạm phát, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Việc phát hành trái phiếu Chính phủ không làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông, nên cơ bản không ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, cũng gây tác động tới nhu cầu của những hàng hóa, dịch vụ liên quan, cũng gây tác động đến giá cả từng mặt hàng và mặt bằng giá nói chung trong khoảng thời gian nhất định.

Vì vậy, “cùng với việc thực hiện phương án bổ sung trái phiếu Chính phủ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân”, Bộ trưởng Vinh nói.

Nguyễn Hiền