1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chính phủ từng tính chuyện “giải tán” hãng hàng không Jetstar Pacific

(Dân trí) - Trong bối cảnh Jetstar Pacific thua lỗ kéo dài suốt 22 năm, Chính phủ từng tính tới việc “giải tán” hãng hàng không này. Đến năm 2012, liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải đã đề xuất với Chính phủ phương án sáp nhập để cứu vãn tình thế, giúp Jetstar Pacific thoát khỏi bờ vực phá sản.

Lỗ triền miên suốt 22 năm 

Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific tiền thân là Công ty Hàng không cổ phần Việt Nam (Pacific Airlines), được thành lập năm 1990 với vốn điều lệ là 200.000 USD. Pacific Airlines trở thành thành viên của Vietnam Airlines vào năm 1995.

Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Pacific Airlines về Bộ Tài chính. Năm 2006, Bộ Tài chính giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý phần vốn góp tại Pacific Airlines.

Năm 2008, Pacific Airlines hợp tác với Tập đoàn Qantas của Úc (Công ty mẹ của Tập đoàn Jetstar) và đổi tên thành Jetstar Pacific. Vào thời điểm này, tại Việt Nam, Jetstar Pacific đứng ở vị trí thứ 2 khi chiếm 17% thị phần nội địa (Vietnam Airlines chiếm hơn 80% thị phần).

Dù hợp tác với hãng hàng không quốc tế và thực hiện tái cơ cấu nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của Jetstar Pacific vẫn nối dài chuỗi ngày “bi đát”. Trong các năm 2009, 2010, 2011, Jetstar Pacific tiếp tục thua lỗ kéo dài, thậm chí hãng này không có khả năng trả tiền nhiên liệu bay, các khoản nợ đọng không thể thanh toán.

Chính phủ từng tính chuyện “giải tán” hãng hàng không Jetstar Pacific - 1
Jetstar Pacific kinh doanh thua lỗ từ năm 1990 đến năm 2012

Trước tương lai “không sáng sủa” hơn đối với Jetstar Pacific, Chính phủ đã tính chuyện “giải tán” Jetstar Pacific để “cắt lỗ” và giảm “gánh nợ” thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về việc sáp nhập, nhấn mạnh đây là phương án khả thi nhất nhằm cứu Jetstar trước bờ vực phá sản.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của Jetstar Pacific cũng báo cáo Thủ tướng, nhất trí với phương án chuyển giao vốn Nhà nước của Jetstar Pacific về Vietnam Airlines. Vào thời điểm đó, Jetstar Pacific có 7 máy bay với độ tuổi trung bình là 14,7 tuổi. Số lỗ lũy kế là -2.476,136 tỷ đồng.

Sau khi xem xét, Chính phủ đã chấp thuận phương án sáp nhập để giải quyết khó khăn của Jetstar Pacific. Việc sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp là việc cần thiết, vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo ngành giao thông thực hiện chủ trương này.

Tháng 2/2012, Vietnam Airlines đã tiếp nhận sở hữu 69,93% vốn góp của Nhà nước từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và trở thành cổ đông lớn nhất tại Jetstar Pacific. Đây là “thương vụ” điều chuyển vốn chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam.

Jetstar Pacific “lột xác” như thế nào?

Sáng 10/5, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Vietnam Airlines, nhiều cổ đông đã đề cập tới tình hình thua lỗ của Jestar Pacific và tương lai của Jestar Pacific, với khoản lỗ 4.200 tỷ đồng thì Vietnam Airlines có tính phương án bán lại hay giải thể…

Chính phủ từng tính chuyện “giải tán” hãng hàng không Jetstar Pacific - 2
Vấn đề thua lỗ của Jetstar Pacific được đưa ra tại Đại hội cổ đông Vietnam Airlines sáng 10/5

Về việc này, ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines - cho biết: Lỗ lũy kế của Jestar Pacific hiện tại đã được xử lý hết qua các năm kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, trước năm 2012, Vietnam Airlines có dự định thành lập hãng hàng không VietAir để khai thác phân khúc giá rẻ, phụ trách mảng giá rẻ của Vietnam Airlines. Khi tiếp nhận Jetstar Pacific, Tổng công ty cũng thực được việc có 1 hãng giá rẻ, nhưng Jetstar Pacific lỗ nặng, thậm chí Chính phủ từng tính tới việc “giải tán” hãng này.

Với Jetstar Pacific, phải tái cơ cấu toàn diện là khó khăn rất lớn. Trong khi đó, do vướng nhiều cơ chế cũng như để tránh lỗ cho công ty mẹ, Vietnam Airlines không thể tái cơ cấu ồ ạt Jetstar Pacific mà phải thực hiện quá trình này qua nhiều năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cũng cho biết thêm, khoản lỗ 2.400 tỷ đồng khi tiếp nhận Jetstar Pacific đã được Vietnam Airlines giải quyết và những năm sau đó lỗ cũng được giải quyết theo từng năm, có sự ghi nhận của các đơn vị kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước.

“Từ khi thành lập đến năm 2012, Jetstar Pacific luôn luôn lỗ. Từ khi Vietnam Airlines tiếp nhận, hãng đã thực hiện quy trình tái cơ cấu và đang mang lại kết quả. Năm 2012-2013, Jetstar Pacific đã giảm lỗ, năm 2014 lãi 8 tỷ đồng và năm 2018 kết sổ lãi 34 tỷ đồng.” - ông Minh thông tin.

Châu Như Quỳnh