Chính phủ thúc tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà ở xã hội và cải thiện nhà ở.

Tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn rất khiêm tốn.

Tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn rất khiêm tốn.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được Chính phủ ban hành chiều 10/12, các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng chậm, tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao, trong khi sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, sức mua thị trường trong nước thấp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Thông qua Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh lộ trình xử lý nợ xấu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà ở xã hội và cải thiện nhà ở.

Theo kế hoạch, gói tín dụng này sẽ được giải ngân hàng hết chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013. Ngân hàng Nhà nước vừa rồi cũng đã có văn bản gửi 5 ngân hàng được chỉ định triển khai phải chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân nhanh gói hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng theo Nghị quyết 02.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn rất chậm. Theo số liệu cập nhật của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), đến đầu tháng 11 mới chỉ có 619 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay và 590 khách hàng được giải ngân với số tiền hơn 142 tỷ đồng từ gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ (tức tương ứng giải ngân chưa tới 0,5%).

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, do đây là gói tín dụng cho vay để hỗ trợ nhà ở, mục tiêu chính là hướng tới người dân thu nhập thấp chứ không phải là mục tiêu để cứu thị trường bất động sản.
 
Ngoài ra, theo Nghị quyết lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiệm vụ tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm.
 
Trong tháng cuối cùng của năm, Bộ Tài chính phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, xử lý nghiêm và công khai mọi hành vi trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt thuế.
 
Đáng chú ý là cơ quan này được giao phấn đấu đạt và vượt số đánh gia thu ngân sách nhà nước năm 2013 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Trong khi đó, 11 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước mới chỉ đạt 85,6% dự toán năm.
 
Về phía Bộ Công thương, cơ quan này phải đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm.
 
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết.
 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước