Chính phủ mỗi năm vay bao nhiêu để trả nợ và giảm bội chi?

(Dân trí) - Đánh giá trước đó, đại biểu chỉ ra rằng, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.

Chính phủ mỗi năm vay bao nhiêu để trả nợ và giảm bội chi? - 1

Nhiều khoản vay cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020-2021 tới đây.

Báo cáo tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, năm 2018 đã huy động vốn vay trong nước 250,5 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc.

Con số vay trong nước đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ, trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.

Ngoài nguồn vay trong nước, cũng trong năm 2018, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ. Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Ngoài ra, Ngân hàng phát triển huy động được 16.545 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch) với 74,3% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; Ngân hàng chính sách xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng (bằng 100% hạn mức phát hành) với 71% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Đến 31/12/2018, dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của 2 ngân hàng chính sách là 157.738 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cuối năm 2017.

Về nợ công đến ngày 31/12/2018, nợ công/GDP đạt 58,4%GDP, thấp hơn mức trần là 65%; Nợ Chính phủ/GDP đạt 50,0%GDP, mức trần là 54%; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/Thu NSNN là 15,9%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu là 25%; Nợ nước ngoài quốc gia/GDP là 46%, trong khi mục tiêu đặt ra là 50%.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 30/5, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Ông dẫn chứng, năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.

"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm nói.

Đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng, nợ công được cải thiện nhưng vẫn cao và chưa thể yên tâm bởi Việt Nam mới trả được lãi, trả nợ gốc đến hạn.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, tình hình thu ngân sách hiện không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, tăng nhanh. Trong khi đó, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Ông ví dụ, nếu năm 2016 thu từ dầu và đất chiếm 14,8% tổng thu thì năm 2017 là 15,7% và năm 2018 tăng lên 17,6%.

Liên quan tới nợ công, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Võ Hữu Hiển cho biết, hiện nay, có một số vấn đề thực tế đặt ra đang có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam. Đó là việc các khoản vay sắp đến hạn trả.

Ví dụ: Nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020-2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020,… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.

Bên cạnh đó là lãi suất. Khi được công nhận là nước có thu nhập trung bình, Việt Nam không được hưởng các khoản vay ưu đãi nhiều nữa, chưa kể một số khoản vay phải chịu lãi suất thả nổi với nhiều rủi ro; ngoài ra là rủi ro tái cấp vốn, tăng nghĩa vụ trả nợ,…

Một số thách thức khác trong báo cáo của Bộ Tài chính cũng đã đề cập là rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm, điều này sẽ tác động đén việc bố trí nguồn trả nợ trong cân đối NSNN.

Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, trong 5 năm tới các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối NSNN và đầu tư công trung hạn.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nợ công. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công tại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt tập trung tái cơ cấu các khoản nợ để giãn đỉnh nợ, tránh việc trả nợ dồn vào một thời điểm, tác động đến cân đối ngân sách.

Phương Dung