Chính phủ điểm tên những thách thức phải "đương đầu" của nền kinh tế

(Dân trí) - Chính phủ thừa nhận, năm 2018 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, giá hàng hóa thế giới tăng cao trong khi quy mô kinh tế nước ta nhỏ, độ mở lớn, dư địa tài khóa, tiền tệ hạn hẹp...

Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm 2018.
Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm 2018.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Chính phủ gửi lên Quốc hội cho biết, bước vào năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có nhiều tín hiệu khởi sắc, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn năm 2017, thương mại tích cực tạo thuận lợi cho kinh tế trong nước phát triển.

Tại báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2018 khoảng 3,9%, cao hơn năm 2017 là 3,7% và tăng 0,2% so với mức dự báo trước đó; Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2018 khoảng 3,1%, cao hơn năm 2017 là 3,0% và tăng 0,2% so với mức dự báo trước đó.

Theo IMF, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 ở mức 4,6%, tăng 0,6% so với mức dự báo trước đó, theo dự báo của WB là 4,0%, tăng 0,2% so với mức dự báo trước đó.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, năm 2018 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo hàng loạt động thái lớn về chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn. Giá hàng hóa thế giới tăng cao tạo áp lực không nhỏ cho công tác điều hành trong nước.

Bên cạnh đó, quy mô kinh tế nước ta nhỏ, độ mở lớn, dư địa tài khóa, tiền tệ hạn hẹp, trong khi nhu cầu nguồn lực rất lớn, không chỉ cho đầu tư phát triển, mà quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh,... Biến đổi khí hậu, thiên tai luôn thường trực.

Theo đánh giá của Chính phủ, thách thức từ bên ngoài mà tâm điểm là từ nguy cơ đã chuyển thành "chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", đang có dấu hiệu leo thang, đến nay Mỹ đã chính thức đánh thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, phía Trung Quốc đã áp thuế bổ sung lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc.

Nhất là việc điều chỉnh tăng lãi suất của Mỹ. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang (FED) Mỹ đã 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, hiện ở mức 2-2,25%. Do lãi suất đồng USD tăng, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và các đồng tiền khác thu hẹp lại, giá trị đồng USD tăng lên, làm gia tăng áp lực về điều hành lãi suất, tỷ giá ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cùng với đó, các tín hiệu thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn, như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ),…như: ECB đã xác định thời gian chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng là cuối năm 2018 và BOJ định hướng xem xét chấm dứt chương trình mua trái phiếu trong năm 2019.

"Cho thấy, xuất hiện xu hướng thu hẹp chính sách kinh tế của các quốc gia, các nền kinh tế lớn do giảm nới lỏng tiền tệ làm giảm dư địa tài chính để hỗ trợ tăng trưởng. Từ đó, sẽ tác động tới việc cơ cấu danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trên toàn thế giới và có thể gây ảnh hưởng tới thị trường vốn của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh cần có thời gian, trong ngắn hạn sẽ chưa có nhiều biến động lớn", báo cáo nêu.

Về giá hàng hoá, giá dầu thế giới tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6/2018, sau đó có xu hướng chững lại, giảm dần. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu thế giới còn nhiều yếu tố khó lường bởi các vấn đề thương mại và địa chính trị giữa các quốc gia, các nền kinh tế lớn còn nhiều đan xen, phức tạp, như: Mỹ - Nga, Anh - Nga, EU - Nga,... và ngay cả giữa Mỹ và các đối tác truyền thống, như EU và Nhật Bản.

Dù vậy, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng, ước cả năm GDP tăng khoảng 6,7%, đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được nhiều kết quả rõ nét nhờ những nỗ lực về cải cách thể chế, cải cách hành chính của Chính phủ.

Phương Dung

Chính phủ điểm tên những thách thức phải "đương đầu" của nền kinh tế - 2