Xác định mục tiêu phát triển, áp lực rủi ro của kinh tế Việt Nam năm 2019
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, năm 2019 dự kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6,6-6,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức từ bên ngoài.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 đạt 6,98%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5,5 triệu tỷ đồng (tương đương 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so năm 2015. Ước cả năm 2018 Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt.
Sang các năm 2019, 2020, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh xu thế tích cực của nền kinh tế vẫn là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô (KTVM) ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh (ĐTKD) được củng cố. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương và các DN cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai.
“Đó là sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể kéo dài, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước. Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập,... mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất kinh doanh trong nước.” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường ĐTKD, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN).
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Dự kiến GDP tăng khoảng 6,6-6,8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP... ” - Phó Thủ tướng cho hay.
Để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra 3 giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Châu Như Quỳnh