1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chính phủ chi hơn 12.000 tỷ đồng tiền tiết kiệm mua vắc xin Covid-19

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2020 là 12.100 tỷ đồng, số tiền này được sử dụng để mua vắc xin phòng chống Covid-19.

Chiều nay (24/7), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Một năm tiết kiệm hơn 12.000 tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Tài chính, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Các giải pháp gồm công khai, minh bạch trong phân bổ dự toán NSNN; sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm nguyên tắc chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cần thiết và có nguồn lực đảm bảo; điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ nguồn thu.

Chính phủ cũng chưa điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020, nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2.900 tỷ đồng).

Việc cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách cũng được triển khai tích cực. Ngân sách Trung ương (NSTW) tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng.

Chính phủ chi hơn 12.000 tỷ đồng tiền tiết kiệm mua vắc xin Covid-19 - 1

Chính phủ chi hơn 12.000 tỷ đồng tiết kiệm mua vắc xin Covid-19.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm, ước khoảng 6.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính thông tin tổng số tiết kiệm chi của ngân NSTW năm 2020 là 12.100 tỷ đồng, trong đó, tiết kiệm chi trả nợ lãi 10.600 tỷ đồng, tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và 10% kinh phí thường xuyên khác của các bộ, cơ quan Trung ương là 1,5 nghìn tỷ đồng.

"Toàn bộ 12.100 tỷ đồng này được sử dụng để mua vắc xin phòng chống Covid-19" - ông Phớc nói và cho biết tổng nguồn dự phòng NSTW năm 2020 bố trí dự toán là 17.500 tỷ đồng, số đã sử dụng là 17.500 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 3.610 tỷ đồng.

Cắt giảm 100% lễ động thổ, khởi công, khánh thành

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Chính phủ sẽ triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công, năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Giảm tối thiểu 5-10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.

Đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định; cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Bố trí vốn đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định; xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành…

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tình trạng chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn xảy ra.

Cụ thể, báo cáo của Chính phủ chưa có kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một số chỉ tiêu, một số lĩnh vực. Những địa phương, bộ, ngành chưa làm tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được chỉ rõ để nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh.

Theo cơ quan này, các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm. Việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế...

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng Chính phủ chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vắc xin phòng chống dịch Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm