Chính phủ áp dụng biện pháp mạnh, vực dậy sức khỏe nền kinh tế

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt 95-100% kế hoạch.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu: Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững;

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó, đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch; Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ áp dụng biện pháp mạnh, vực dậy sức khỏe nền kinh tế - 1

Chính phủ đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Tiến Tuấn).

Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin.

Bộ Ngoại giao được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, tư vấn vào Việt Nam, nhất là phục vụ các dự án đầu tư.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát và xử lý nợ xấu

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nói trên phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai các biện pháp giám sát, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ.

Theo dõi sát diễn biến tình hình, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường; Kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là hoạt động xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư cũng là nội dung yêu cầu. 

Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm ngay thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ mobile money.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

"Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.

Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng" - Nghị quyết nêu rõ.

Kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-9

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.