Chim đột biến gen 100 triệu đồng: Nữ công nhân vay tiền mua về ngắm chơi

Đam mê giống bạch khổng tước bởi vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy, chị Trần Hạnh Bích - công nhân tại Bắc Ninh - sẵn sàng vay ngân hàng 100 triệu để sở hữu đôi công trắng làm cảnh, thỏa mãn mong ước bấy lâu của mình

Thú chơi bạch khổng tước ngày càng được nhiều người ưa chuộng, trở thành mốt vì loại chim này mang ý nghĩa tốt đẹp về phong thủy. Mặc dù có giá khá đắt đỏ nhưng nhiều người không ngại chi hàng chục, hàng trăm triệu để sở hữu giống chim cảnh quý hiếm này.

Là công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh, chị Trần Hạnh Bích đặc biệt mê thú chơi chim cảnh, nhất là chim công trắng. Nửa năm trời chị lặn lội, vay mượn, tích cóp được hơn trăm triệu, chị tìm mua được 2 cặp công trắng trưởng thành và một vài giống chim quý khác.

Chim đột biến gen 100 triệu đồng: Nữ công nhân vay tiền mua về ngắm chơi - 1

Bạch khổng tước là giống chim quý hiếm, được nhiều người ráo riết săn lùng.

Chị Bích chia sẻ: “Công trắng có bộ lông trắng muốt, xòe ra nhìn rất đẹp nên ngay từ đầu tôi đã muốn sở hữu một cặp để thả vườn chơi, làm cảnh. Hơn nữa, sau chúng sinh sản, nhân đàn lên tôi có thể bán ra thị trường, giá trị lại cao bởi giống công trắng ngày càng hiếm”.

Là loài đột biến gen quý, công trắng mang vẻ đẹp thanh khiết, kiêu sa. Theo quan niệm, loài vật này tượng trưng cho sự cao quý, là biểu tượng của quyền lực, nuôi trong nhà sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho gia chủ nên dù giá lên đến 1.300-1.700 USD/cặp (dao động 30-40 triệu/cặp) công trắng trưởng thành, chị Bích vẫn không tiếc tiền mua.

“Thời điểm này, chim công bước vào mùa sinh sản nên mọi người sẽ được ngắm chúng xòe đuôi múa nhiều hơn. Mỗi năm chúng chỉ đẻ 1 lứa, khoảng 20-25 trứng. Tôi chủ yếu nuôi để chơi, giữ nguồn gen quý, ai hỏi mua tôi chỉ bán chim công con”, chị Bích cho hay.

Chim đột biến gen 100 triệu đồng: Nữ công nhân vay tiền mua về ngắm chơi - 2

Là loài mang vẻ đẹp cao quý, bạch khổng tước còn mang ý nghĩa tốt đẹp về phong thủy.

Là một trong những người sở hữu giống bạch khổng tước lớn ở miền Bắc, anh Nguyễn Quỳnh ở Hải Dương cho biết, gần đây thú chơi bạch khổng tước ngày càng rầm rộ, không chỉ những đại gia mà bất cứ ai đam mê, yêu thích đều sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Tuy vậy, không dễ có được một cặp công trắng, bởi do số lượng ít, chúng ngày càng trở nên quý hiếm.

Là loài thuộc họ Trĩ, có nguồn gốc từ châu Á, công trắng được tạo ra do sự đột biến gen di truyền thiếu sắc tố lông với số cá thể được sinh ra chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, với bộ lông trắng tinh khiết, sang trọng lại mang ý nghĩa về mặt phong thủy nên công trắng được nhiều người lựa chọn làm cảnh.

Chim đột biến gen 100 triệu đồng: Nữ công nhân vay tiền mua về ngắm chơi - 3

Con trưởng thành có thể dài đến 2,1m, nặng 8kg

Chim đột biến gen 100 triệu đồng: Nữ công nhân vay tiền mua về ngắm chơi - 4

Bạch khổng tước trưởng thành 3-4 năm có giá lên tới 30-40 triệu/cặp.

Theo anh Quỳnh, chim công trưởng thành có chiều dài cơ thể lên đến 2,1m, nặng khoảng 8kg, một năm chỉ sinh sản 1 lần vào cuối xuân đầu hạ. Phần đuôi có những họa tiết đồng tiền, con nuôi càng lâu 3-4 năm thì bộ lông càng hoàn thiện, cho giá trị càng cao.

Như công trắng trưởng thành 3 năm tuổi trở lên anh bán 30-35 triệu/đôi, công gần 2 năm tuổi là 25 triệu/đôi, còn chim công con giá 5 triệu/đôi. Con từ 4 năm trở lên có khi không thể định giá. “Tuy vậy, số lượng công trắng ngày càng hiếm không đáp ứng được yêu cầu thị trường, nên khách muốn mua có khi phải đặt trước cả năm mới có”, anh Quỳnh cho hay.

Theo N. Thanh
VietnamNet