Chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt?
(Dân trí) - Một trong những dự án đình đám nhất trong chiến lược Vành đai và Con đường là xây dựng một cảng biển, đường bộ, đường sắt và sân bay lớn nhất ở Pakistan dường như đã đi vào bế tắc.
Cảng Gwadar - một vùng đất xa xôi trên bờ biển phía tây nam Pakistan là điểm dừng chân cuối cùng trong Dự án Vành đai và Con đường trị giá 62 tỷ USD, đã được Bắc Kinh lên kế hoạch để kết nối tỉnh cực tây giáp biển của Trung Quốc với Biển Ả Rập. Đây cũng chính là viên ngọc quý của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, được thiết kế để xây dựng những cơ sở hạ tầng và nâng tầm ảnh hưởng rộng lớn của Trung quốc trên toàn thế giới.
Kế hoạch ban đầu của Trung Quốc là xây dựng một cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường ống, hàng chục nhà máy và sân bay lớn nhất ở Pakistan. Nhưng gần 7 năm sau khi Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan được thành lập, có rất ít bằng chứng cho thấy kế hoạch đó được thực hiện hóa.
Địa điểm để xây dựng sân bay mới, nơi mà lẽ ra phải được hoàn thành từ cách đây 3 năm trước với sự tài trợ của Trung Quốc hiện nay vẫn là một khu vực trống không và được rào kín. Các nhà máy trên một bãi biển dọc theo vịnh phía Nam sân bay chưa hề được xây dựng. Và giao thông tại cảng Gwadar vẫn rất thưa thớt. Một tàu khu trục của Hải quân Pakistan là con tàu duy nhất cập cảng trong chuyến thăm gần đây và không có dấu hiệu nào cho thấy có sự vận chuyển hàng hóa thường xuyên tới nơi này.
Những thất bại của Trung Quốc ở Gwadar đã cho thấy những vấn đề lớn hơn trong Dự án Vành đai và Con đường. Trung Quốc hiện đang thu hẹp lại tham vọng của mình, không chỉ ở Pakistan mà trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua, lạm phát gia tăng và cả những tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bức tranh về một Trung Quốc phồn vinh lại càng trở nên tối tăm hơn khi đại dịch nCov-19 bắt nguồn từ miền trung Trung Quốc đang đe dọa và khiến cho tình hình đất nước này trở nên vô cùng tồi tệ.
Jonathan Hillman, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói rằng: “Hạn chế lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế của chính họ”.
Ở một số quốc gia, các dự án của Trung Quốc đã bị hủy bỏ, thu hẹp hoặc xem xét kỹ lưỡng. Malaysia đã đàm phán lại các điều khoản của dự án đường sắt liên doanh đang được Trung Quốc xây dựng và cắt bỏ 3 tỷ USD đường ống theo kế hoạch. Vào năm ngoái, tại Kenya, tòa án đã yêu cầu tạm dừng việc xây dựng một nhà máy điện trị giá 2 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ. Và tại Sri Lanka, các nhà lãnh đạo mới cho biết họ muốn giành lại quyền kiểm soát một cảng ở Hambantota được thuê cho một công ty Trung Quốc trong 99 năm khi chính phủ Sri Lanka trước đó không thể hoàn trả lại khoản vốn mà họ đã vay của Trung Quốc.
Sự việc tại Hambantota đã khiến cho nhiều quốc gia tham gia vào Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc phải lo ngại. Họ sợ rằng sự bành trướng và những bẫy nợ của Trung Quốc có thể sẽ khiến họ rơi vào thế bị động và nguy cơ phải nhượng lại những cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước mình cho Trung Quốc.
Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington nói rằng, có ít nhất 8 quốc gia, bao gồm cả Pakistan, có nguy cơ bị khủng hoảng nợ cao.
Theo một báo cáo vào 9/2019 của Công ty luật Baker McKenzie, tất cả những mối lo ngại trên có thể sẽ khiến Dự án Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ USD bị cắt giảm hàng trăm tỷ USD. Và dĩ nhiên điều này sẽ làm cho quy mô của dự án bị thu hẹp lại.
Trong khi tổng vốn của các dự án Vành đai và Con đường được ký kết tăng vào năm 2019, nhưng dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc lại cho thấy, chi tiêu thực tế chỉ đạt mức 75 tỷ USD, sau khi giảm 14% trong năm 2018. Tổng chi tiêu từ đầu năm 2014, ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường, đến tháng 11 năm 2019 là 337 tỷ USD, số liệu của chính phủ cho thấy con số này còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đầy tham vọng mà Trung Quốc đặt ra.
Hillman, người chỉ đạo dự án Tái kết nối Châu Á, một dự án theo dõi tiến trình của Vành đai và Con đường nói rằng: “Pakistan có thể là điềm báo cho những vấn đề lớn hơn trong Dự án Vành đai và Con Đường của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ không thất bại ở trong nước, nhưng tôi nghi ngờ liệu họ sẽ có thể đạt được những gì họ đã đặt ra ở nước ngoài hay không.”
Quay lại với Dự án Vành đai và Con đường còn đang dang dở tại Pakistan. Pakistan, từ lâu đã liên minh với Trung Quốc để chống lại sức nặng khu vực của Ấn Độ, họ muốn Trung Quốc sẽ giúp họ phát triển những khu vực nghèo nàn nhưng giàu khoáng sản. Họ cũng muốn dập tắt những bất ổn chính trị đang diễn ra tại đây.
Tuy nhiên, những nhóm phiến quân tại nước này đang tìm cách ngăn chặn các kế hoạch mà chính phủ Pakistan đặt ra.
Một thông tin mới nhất về dự án từ đại sứ Pakistan tại Bắc Kinh, được công bố trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc năm ngoái, 11 dự án đã được hoàn thành tại quốc gia này trong 5 năm qua và 11 dự án khác đang được tiến hành, với tổng số vốn là 18,9 tỷ USD. Và có thêm 20 dự án đã được lên kế hoạch, tuy nhiên Bắc Kinh không đưa ra số tiền, chi tiết hoặc khung thời gian cụ thể và không còn đề cập đến khoản cam kết đầu tư trị giá 62 tỷ USD ban đầu.
Thùy Dung
Theo NDTV