1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giới trẻ Trung Quốc đua nhau tháo chạy khỏi ngành công nghệ

Nhật Linh

(Dân trí) - Từng được coi là "tấm thẻ vàng" cho việc phát triển nghề nghiệp, giờ đây các công ty công nghệ không còn là lựa chọn số một của giới trẻ Trung Quốc khi Bắc Kinh mạnh tay siết chặt ngành này.

Giới trẻ Trung Quốc đua nhau tháo chạy khỏi ngành công nghệ - 1

Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ khiến nhiều người trẻ ở nước này phải suy nghĩ lại về định hướng nghề nghiệp trong tương lai (Ảnh: SCMP).

Sa thải hàng loạt

Xiang Zikui, một phụ nữ ở Thâm Quyến đang làm việc trong bộ phận game của một trong những công ty internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết cô rất sốc khi nghe tin iQiyi, được mệnh danh là Netflix của Trung Quốc, sa thải nhân sự hàng loạt.

iQiyi, thuộc sở hữu của Baidu, đang điều hành một trong những nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, được cho là đã bắt đầu sa thải hơn 30% nhân sự vào đầu tháng này. Dự kiến làn sóng sa thải này sẽ có tiếp tục qua Tết Nguyên đán.

Nguồn tin của South China Morning Post cũng cho biết, hồi đầu tháng "gã khổng lồ" chia sẻ video ngắn Kuaishou Technology cũng đã bắt đầu sa thải những nhân viên có hiệu suất kém.

Mặc dù cả hai công ty trên đều không phải là đích nhắm trực tiếp của chính quyền Bắc Kinh trong cuộc "thanh trừng" các ông lớn công nghệ kéo dài một năm qua, nhưng việc cắt giảm nhân sự hàng loạt này cho thấy môi trường làm việc ở các công ty internet đang khó khăn hơn trong bối cảnh các quy định ngày càng thắt chặt, chính phủ giám sát nhiều về nội dung và không khoan nhượng với hành vi độc quyền.

"Việc sa thải có thể liên quan nhiều đến xu hướng chung của ngành", Xiang nói và cho biết thêm: "Hiện nay có nhiều quy định chặt chẽ về nhiều thứ bao gồm game online, quảng cáo trực tuyến và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư. Điều này khiến tôi cảm thấy ngành công nghiệp này đang bị "thắt nút cổ chai"".

Sự thay đổi thái độ của giới chức Trung Quốc đối với ngành công nghệ diễn ra đột ngột sau một thập kỷ tăng trưởng vượt bậc nhờ quy định lỏng lẻo và nguồn vốn dễ dàng. Ngay cả với những nhân viên công nghệ có tay nghề cao tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng, từng được các "ông lớn" công nghệ tranh giành mời về với mức lương cao, cũng không chắc chắn với bối cảnh ngày càng khắc nghiệt này.

"Những ngày này có nhiều người nói rằng các công ty internet không còn là lựa chọn số một cho nghề nghiệp nữa. Một số người giờ đây thích làm việc cho các công ty sở hữu nhà nước hoặc thi tuyển công chức hơn", Xiang nói.

Không hy vọng nhận thưởng Tết

Theo khảo sát của nền tảng tìm kiếm việc làm Lagou của Trung Quốc, chưa đến một nửa nhân viên ở các công ty internet hy vọng nhận thưởng vào cuối năm nay.

Một báo cáo khác của Lagou công bố trong tháng này cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân tài của các công ty internet lớn đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhiều nhân sự đang làm việc tại các "ông lớn" công nghệ cho biết hiện tại công việc của họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi những quy định của chính phủ thì một số người vẫn đang xem xét lại định hướng nghề nghiệp tương lai.

Feng Xing, một kỹ sư phần mềm ở Thành Đô đang làm việc cho một công ty nhà nước, cho biết nhiều đồng nghiệp mới gia nhập công ty anh gần đây đến từ các công ty internet lớn.

Theo Feng, một yếu tố của sự di chuyển này là do mức trần 35 tuổi ở ngành này. Trong ngành công nghệ Trung Quốc, những người trên 35 tuổi thường được ít tuyển dụng và có nguy cơ sa thải cao trừ phi họ vươn lên vị trí quản lý cấp cao.

Kelly Huang, 30 tuổi, từng làm việc cho một trong những nền tảng phát trực tiếp (livestream) hàng đầu ở Trung Quốc, cho biết việc Bắc Kinh siết chặt các quy định đã dập tắt mong muốn làm việc trong ngành này của nhiều người. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách đây vài năm khi cô mới bắt đầu gia nhập vào công ty.

Lĩnh vực phát sóng trực tiếp (livestream) gần đây liên tục bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích vì nội dung thô tục, lượng truy cập và đánh giá mập mờ cũng như hành vi báo cáo thuế không rõ ràng của những người có ảnh hưởng (influencer).

Mới đây, Huang Wei, thường được gọi là Viya, được mệnh danh là "nữ hoàng livestream" của Trung Quốc, đã bị phạt với số tiền kỷ lục 210 triệu USD vì tội trốn thuế.

"Tôi không cho rằng nhiều nhân viên sẽ rời công ty vào thời điểm này, nhưng dường như mọi người đang rục rịch", Kelly Huang nói và cho rằng triển vọng đi xuống của ngành công nghiệp này đang xói mòn tinh thần của cô, khiến cô phải rời bỏ công việc này và gia nhập một công ty phần cứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm