Vấn đề kinh tế trong tuần:
Chi tiết lương Chủ tịch nước, Thủ tướng; Bất ngờ đại dự án của Xuân Trường
(Dân trí) - Với việc lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2019, mức lương của Chủ tịch nước cũng sẽ tăng lên 19.370.000 đồng (tăng 1,3 triệu đồng); mức lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều là 18.625.000 đồng( tăng 1,25 triệu đồng). Đây là thông tin được nhiều độc giả quan tâm trong tuần qua.
Mức lương Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ năm 2019 là bao nhiêu?
Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11 phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, hệ số lương của Chủ tịch nước là 13.0, hệ số lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều là 12.5.
Với hệ số lương này mức lương của Chủ tịch nước là 18.070.000 đồng, mức lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều là 17.375.000 đồng.
Song từ ngày 1/7/2019 mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1.490.000 đồng/tháng, do đó mức lương của các lãnh đạo cấp cao cũng có sự thay đổi.
Cụ thể, mức lương của Chủ tịch nước từ ngày 1/7/2019 là 19.370.000 đồng (tăng 1,3 triệu đồng). Mức lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều là 18.625.000 đồng( tăng 1, 25 triệu đồng).
"Đừng lừa dối nhau về chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh"
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong thời gian qua, Chính phủ xây dựng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đều nhằm mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của kinh tế đất nước.
"Nghị quyết 19 mang tính kỹ thuật, sự vụ, sự việc khi tập trung cắt bỏ các giấy phép con, điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, rõ ràng mục tiêu cao nhất là cắt bỏ hàng loạt không thực hiện được mà chỉ bỏ được vài điều kiện", bà Lan nói.
Vị nữ chuyên gia cho rằng: Điều kiện kinh doanh này được bỏ, cái khác lại được lập ra, từ mục tiêu bãi bỏ phải chuyển sang đơn giản, sửa đổi... Chúng ta đừng tự lừa dối lẫn nhau trong cắt giảm điều kiện kinh doanh khi mà bối cảnh "trên nóng", "dưới lạnh" ảnh hưởng lớn đến khả năng thực thi.
“Chạy nước rút” cuối năm, mỗi ngày Cục thuế TPHCM phải thu 1.046 tỷ đồng
Năm 2018, Cục Thuế TPHCM đặt chỉ tiêu thu ngân sách 268.780 tỷ đồng, tăng 12,51% so với năm 2017 (238.889 tỷ đồng).
Theo Cục Thuế TPHCM, tổng thu ngân sách 11 tháng đầu năm 2018 của Cục Thuế TPHCM là 236.334 tỷ đồng, đạt 87,93% chỉ tiêu. Như vậy, trong tháng 12/2018, Cục Thuế thành phố phải thu thêm 32.446 tỷ đồng, tức mỗi ngày phải thu bình quân 1.046 tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế TPHCM nhận định, Cục thuế TPHCM phải nỗ lực hết sức mới hoàn thành chỉ tiêu này bởi chỉ tiêu năm 2018 cao hơn năm 2017 đến gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2017, ngành thuế thành phố phải “căng mình” mới hoàn thành chỉ tiêu vào những ngày cuối cùng nên năm 2018 sẽ gian nan hơn rất nhiều.
Liên minh taxi Việt: Đã có nhiều sự so sánh chê bai, tẩy chay taxi truyền thống
Phát biểu tại lễ ra mắt Liên minh taxi Việt ngày 10/12, ông Lê Vinh Quang - Phó chủ tịch Liên minh cho hay, với tiềm lực tài chính vô cùng lớn từ các Quỹ đầu tư nước ngoài thì Grab và Uber liên tục khuyến mại khách hàng, thưởng lái xe; chủ xe để thu hút lượng xe và lái xe vào với mục đích nhanh chóng giành thị phần khách hàng.
Chính vì vậy, lượng xe các hãng taxi truyền thống sụt giảm tại Hà Nội và TP HCM (tính đến cuối năm 2017 ước tính giảm 15% - 20%).
Vị này cho biết, đã có tất nhiều sự so sánh chê bai taxi truyền thống không chịu đổi mới, không tiết kiệm chi phí để giảm giá thành vận tải, và cũng không chỉ từ phía khách hàng mà là cả từ cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông… dẫn đến làn sóng tẩy chay taxi truyền thống.
Để tồn tại trước áp lực cạnh tranh vô cùng gay gắt này, Phó chủ tịch Liên minh taxi Việt cho biết các đơn vị taxi đã thống nhất và tìm hướng đi để cạnh tranh nhằm mục đích sống sót tồn tại và phát triển, liên kết với nhau dựa trên thông điệp "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Theo đó, để cạnh tranh về công nghệ, liên minh cho biết sẽ hoạt động trên nền tảng công nghệ Emddi, do các nhà khoa học của Đại học quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển.
DN Xuân Trường lại đề xuất dự án Khu du lịch tâm linh 1.000 ha ở chùa Hương
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội gần đây báo cáo việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có đề nghị thực hiện siêu dự án du lịch tâm linh có quy mô 1.000 ha ở khu vực chùa Hương, với tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
Trong văn bản trên, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường kiến nghị: “Chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội), chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy”.
Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1000 tỷ đồng/năm.
Bích Diệp (tổng hợp)