1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chi tiết 2.833 điểm bán hàng hóa còn hoạt động tại TPHCM

Đại Việt

(Dân trí) - Sở Công Thương TPHCM đã công bố danh sách 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay trên địa bàn thành phố.

Chi tiết 2.833 điểm bán hàng hóa còn hoạt động tại TPHCM - 1

Các điểm bán đều có địa chỉ công khai cho người dân dễ tìm kiếm (Ảnh: T.L).

Theo Sở Công Thương, tính đến tối 7/7, TPHCM đang có 111 chợ, 106 siêu thị và 2.616 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, phục vụ người dân.

Đáng chú ý, trong danh sách này có quận 3, quận 7, quận Bình Tân, quận Tân Phú không còn chợ nào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở địa phương này vẫn mở cửa.

Quận 4 cũng không có siêu thị nào còn hoạt động, tuy nhiên 57 chợ và cửa hàng tiện lợi vẫn đang kinh doanh bình thường.

Thành phố Thủ Đức có 23 chợ đang hoạt động.

Huyện huyện Củ Chi có số chợ đang hoạt động nhiều nhất, với 16 chợ. Huyện xa trung tâm TPHCM nhất là Cần Giờ có 10 chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi còn hoạt động.

Chi tiết 2.833 điểm bán hàng hóa còn hoạt động tại TPHCM - 2

Nhiều quận không có chợ nào còn hoạt động (Ảnh: T.L).

Trong danh sách Sở Công Thương cung cấp, người dân có thể biết được chính xác tên điểm bán, địa chỉ, số điện thoại - website đặt hàng trực tuyến… Thậm chí, các siêu thị có thương hiệu còn ghi đầy đủ số điện thoại của người phụ trách để người dân tiện liên lạc, mua sắm.

Trong buổi cung cấp thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân chiều 7/7, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết các chợ đầu mối đang cung cấp khoảng 60 - 70% lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cung cấp khoảng 30% và thị phần còn lại thuộc các doanh nghiệp khác.

"Với 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức, mỗi ngày, lượng hàng về các chợ dao động từ 8.000 - 10.000 tấn. Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng hàng về 3 chợ đầu mối này chỉ còn 4.500 - 5.000 tấn/ngày. Còn kênh siêu thị cung ứng khoảng 1.600 tấn/ngày", ông Phương nói.

Theo ông Phương, sau khi 3 chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động thì các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chịu "áp lực" lớn hơn do người dân chuyển sang kênh phân phối hiện đại để mua sắm.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thông tin thành phố đang có 237 chợ truyền thống. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã có 127 chợ tạm ngừng hoạt động.

Trước việc "hàng loạt" khu chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngừng hoạt động khiến giá cả một số mặt hàng đã tăng từ 10-15% so với trước.

"Những ngày qua, một bộ phận người dân "đổ xô" đi mua thực phẩm dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong quá trình cung ứng. Việc nhiều người cùng tập trung mua sắm một lúc sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ trong khoảng thời gian ngắn", ông Vũ nói.

"Người dân không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt hàng hóa, bởi nguồn cung của các siêu thị, cửa hàng, chợ rất dồi dào. Thành phố cũng đã vận hành chương trình bình ổn giá nhiều năm qua, nên dù có biến động thì giá cả hàng hóa vẫn sẽ luôn ổn định", ông Vũ chia sẻ.

Người dân có thể tham khảo Địa chỉ 2.833 điểm bán hàng đang hoạt động tại TPHCM  tại đây .