Chi thường xuyên lớn là "dành cả cho dân chứ không phải chỉ bộ máy"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, chi thường xuyên bao gồm cả chi cho sự nghiệp y tế và giáo dục. Do đó, cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn, tránh tình trạng khi cứ bàn về bộ máy, cải cách, tinh giản là bị xuyên tạc, dẫn đến cách hiểu không đúng đắn.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

Sáng nay thứ bảy (27/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội. Đóng góp ý kiến về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế, Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, hiện người dân đang nhận thức không "đúng và đủ" về chi tiêu cho bộ máy, khiến họ nghĩ bộ máy là gánh nặng với dân.

"Sự cần thiết tinh giản bộ máy ta nói không đầy đủ, làm cho người dân đang nhận thức bộ máy là một gánh nặng cho ngân sách. Chúng ta cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn, tránh tình trạng khi cứ bàn về bộ máy, cải cách, tinh giản là bị xuyên tạc, dẫn đến cách hiểu không đúng đắn", ông nói.

Theo Đại biểu Phương, thực tế, chi cho bộ máy hành chính chỉ khoảng 10% chi thường xuyên.

"Chi thường xuyên bao gồm cả chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục và ta đang bao cấp cho người dân 2 lĩnh vực này. Nếu không bao cấp thì người dân đi bệnh viện, trường học phải đóng chi phí như khi đi bệnh viện tư, trường học tư. Số chi đó là chi cho cả người dân chứ không phải là chỉ chi cho bộ máy", ông Phương nói.

Khẳng định mục tiêu là tinh giản nhưng vị đại biểu cho rằng, vẫn làm sao phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

"Chúng ta đang chạy theo vấn đề tinh giản. Ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập coi là thành tích. Chính phủ cần quan tâm, và phải trả giá về việc sát nhập, nhập vào lại thôi. Gần đây tôi thấy có một số địa phương đã làm nhập sở nọ sở kia… nhưng nhập dựa trên quy phạm pháp luật nào, mà bên dưới thực hiện như thế nào, để đảm bảo đúng pháp luật?", ông nói.

Thể hiện góc nhìn tương đối khác, trước đó, tại phiên thảo luận ngày 26/10, cũng liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng, ngân sách nhà nước hay nói cách khác, tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước, số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh, vậy còn đâu để đầu tư phát triển.

Theo ông Hạ, nhìn sang các nước láng giềng, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 nước ta chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành. Thực tế, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ thực tiễn kinh nghiệm trong nước và quốc tế trên, ông đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp điều chỉnh, sát nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. Theo ông, đây sẽ là giải pháp hiệu quả nhất hoàn thành đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh giản biên chế.

Còn theo Đại biểu Phạm Xuân Thăng - Hải Dương, tỷ trọng chi thường xuyên trong tỷ lệ chi ngân sách nhà nước còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách. Số thực hiện năm 2017 là 64,68%, dự toán năm 2018 là 64,11% trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%.

"Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ chi thường xuyên lớn, do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách còn rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều", ông Thăng thẳng thắn.

Phương Dung

Chi thường xuyên lớn là "dành cả cho dân chứ không phải chỉ bộ máy" - 2