Chỉ số PCI có đủ tính đại diện?

(Dân trí) - Sau hơn một tháng công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chiều 3/7 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án VNCI đã tổ chức tọa đàm xung quanh chỉ số này. Một số địa phương đã có những phản hồi nhất định, trong đó đáng chú ý là những nghi ngờ về tính đại diện của PCI.

Một quan chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tây bày tỏ quan điểm, chỉ số PCI đã không đánh giá hết và thật sự chuẩn về công tác điều hành kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh này.

Ông này cho rằng, Hà Tây có một đặc thù rất riêng là diện tích đất rất hẹp trong khi dân số đông và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp rất lớn. Do đó, địa phương đã tạm thời đặt ra một tiêu chí là cho đến năm 2010 sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn có suất đầu tư lớn, tiềm lực tài chính dồi dào và khả năng sử dụng đất hiệu quả cao.

Trong khi đó, chỉ số PCI lại dựa trên những điều tra từ cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, sự thiếu chính xác là điều khó tránh khỏi. Theo bảng công bố thì Hà Tây là một “tiêu điểm” của chỉ số PCI khi năm 2005 tỉnh này xếp ở cuối cùng với vị trí 42/42 tỉnh, thành phố và năm 2006 đứng ở vị trí 62/64 tỉnh, thành phố.

Chỉ số PCI có đủ tính đại diện? - 1
  

Công bố Chỉ số PCI năm 2006.

Mặc dù không đi sâu vào mổ xẻ các phương pháp khoa học để tính chí số PCI, song hầu hết đại diện các địa phương đều cho rằng, việc PCI chỉ điều tra trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ (không có doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty và doanh nghiệp FDI) đã gây những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu hút đầu tư của địa phương. Do đó, đã có những ý kiến cho rằng nên đổi lại tên của chỉ số này.

Tuy nhiên, theo TS. Edmun Malesky - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, tên chỉ số PCI là của nhà tài trợ nên không thể thay đổi. Lường trước được yếu tố này, nhóm nghiên cứu đã đưa thêm một tên phụ là “Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân” nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có.

Ngoài ra, các địa phương cũng nên coi đây là chỉ số tham khảo chứ không phải là một “thước đo”.

Hơn nữa, việc thu hút đầu tư còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Minh chứng là có những địa phương có chỉ số PCI cao hơn như Yên Bái (12), Lào Cai (6) nhưng lượng các nhà đầu tư đăng ký lại thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội, Bắc Ninh hay chính là Hà Tây.

Nguyễn Hiền