1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chỉ số giá tiêu dùng 2 thành phố lớn giảm nhiệt

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vẫn tăng mức trên 2%, nhưng so với tháng trước đã giảm nhiệt đi khá nhiều. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là cơn sốt lương thực đã lắng dịu.

Nếu như tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM tăng tương ứng 2,84% và 4,24%, thì trong tháng 6 này, mức tăng chỉ còn 2,39% và 2,37%. Tốc độ tăng CPI của TPHCM tháng này tăng ít hơn Hà Nội, trái ngược với những diễn biến giá cả trong tháng 5.

Cụ thể, tại Hà Nội, nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là thực phẩm vẫn tăng 2,34%, lương thực tăng 6,66%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,53% so với tháng 5.

Trong tháng 6, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vậy liệu xâu dựng tại thị trường Hà Nội lại có mức tăng đột biến, lên tới 3,49% (tháng 5 tăng chưa đến 1%). Mặt hàng có mức tăng ảnh hưởng tới chỉ số giá của Hà Nội tháng này còn là nhóm đồ uống và thuốc lá 2,09%...

Ngược lại, tháng 6 ghi nhận nỗ lực kiềm chế tốc độ táng giá hàng tiêu dùng của TPHCM, với mức tăng chỉ còn 2,37% so với 4,24% của tháng trước. 1,77% là tỷ lệ tăng giá lương thực tại TPHCM trong tháng 6 (tháng 5 tăng đột biến lên mức 36%).

Tuy nhiên giá thực phẩm lại tăng cao hơn tháng trước (4,49% so với 2,98%) nên giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại TPHCM tăng 3,75%.

Nằm trong tình hình chung, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tại thành phố đông dân nhất tăng cao 2,58%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng tới gần 3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI của Thủ đô Hà Nội đã tăng 16,89% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 23,9% so với cùng kỳ. Ở TPHCM, CPI 6 tháng tăng 16,48% so với tháng 12 và tăng 25,49% so với cùng kỳ năm trước.

Không nằm trong 10 nhóm mặt hàng chính dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng, nhưng giá vàng và USD tăng mạnh cũng đã thu hút nhu cầu đầu tư của nhiều người dân. Tại Hà Nội, giá vàng tăng 3,29%, USD tăng 6,36%; TPHCM tăng 4,75% và 6,69%.

An Hạ