Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2018: Việt Nam “tụt” hạng

(Dân trí) - Ngày 29/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.

Năm nay, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập.

Về mặt thống kê, việc giảm điểm này được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. Cùng giảm điểm tương tự như Việt Nam trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn có các quốc gia Trung Quốc, Maldives và Bangladesh.

Ảnh-_-CPI-18_Vietnam-Cover.jpg

Trước đó, năm 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Như vậy là chỉ sau 1 năm, Việt Nam đã tụt 10 hạng và trở thành quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 117 trong tổng số 180 nước trên toàn cầu và có dấu hiệu đi xuống sau 2 năm thăng hạng.

ttcpi.png

Việt Nam có dấu hiệu tụt hạng (Nguồn: Tổ chức Minh bạch Quốc tế 2018)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), điển hình là việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn và hoàn thiện khung khổ pháp lý về PCTN (tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật PCTN mới).

Mặc dù vậy, tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Để thay đổi thực trạng và cảm nhận về sự thay đổi này cần có thời gian. Với mục tiêu xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, những nỗ lực trên, đặc biệt là việc xử lý thực sự nghiêm minh và công bằng các vụ án tham nhũng, cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc này cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả như tăng cường liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Giải pháp nào giúp Việt Nam giảm thiểu tham nhũng?

Tổ chức minh bạch (TT) đã đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp để giảm thiểu tệ nạn tham nhũng hiện nay.

Đầu tiên, đối với Nhà nước, cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nỗ lực PCTN trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công).

tham-nhung-1519271179463866075801.png

Việt Nam thì trong số 67% người trả lời từng liên hệ với dịch vụ y tế công, cứ 5 người sẽ có 3 người từng hối lộ, chiếm 59%. (Nguồn: Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2017)

Tiếp theo đó là, mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý Nhà nước.

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác PCTN.

Về phía doanh nghiệp, tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần tự chủ động tham gia PCTN, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường năng lực PCTN nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình PCTN của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế.

Ở phía báo chí, các tổ chức xã hội và người dân, cần có sự chủ động tham gia vào công tác PCTN thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, phải chủ động thực hành liêm chính, tố cáo các vụ việc tham nhũng, hối lộ ở các cấp độ khác nhau, trước hết bằng cách tự trang bị kiến thức và thông tin pháp luật, trong đó có pháp luật về PCTN.

Cần đẩy mạnh xây dựng và củng cố các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

Thế Hưng