Chi phí vận chuyển thách thức toàn cầu hoá
(Dân trí) - Nếu lâu nay, việc người tiêu dùng tìm kiếm một chiếc áo phông hay giày thể thao “Made in U.S.A” trong hệ thống cửa hàng Wal-Mart ngay tại Mỹ được ví như “mò kim đáy bể”, thì tới đây, tình hình có thể sẽ khác. Tất cả là do giá xăng dầu tăng quá cao.
Khi Tesla Motors, nhà sản xuất ô tô đi tiên phong trong lĩnh vực xe chạy hoàn toàn bằng điện, dự kiến ra mắt mẫu Tesla Roaster cho thị trường Mỹ, họ đã có kế hoạch thiết lập mạng lưới cung cấp phụ tùng toàn cầu.
Ban đầu, Tesla dự kiến sản xuất pin tại Thái Lan, chuyển về Anh lắp và sau đó đem xe về Mỹ hoàn thiện và tiêu thụ. Nhưng khi bắt đầu sản xuất vào mùa xuân năm nay, Tesla Motors đã quyết định sản xuất pin và lắp ráp xe ngay tại Mỹ, nhằm giảm chi phí vận chuyển qua hơn 8.000km của mỗi xe.
Nhiều nhà kinh tế vẫn kiên quyết cho rằng quá trình toàn cầu hoá sẽ không thất bại ngay cả khi giá dầu tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thực tế là những doanh nghiệp muốn giữ cho giá sản phẩm không tăng sẽ buộc phải chuyển phần nào sản xuất về gần nơi tiêu thụ. Hôm 1/8, giá dầu thế giới là 125 USD/thùng, trong khi cách đây một thập kỷ, giá chỉ 10 USD.
Ngày nay, mô hình chuỗi cung cấp toàn cầu - quặng sắt ở Brazil được chế tạo thành thép ở Trung Quốc để sản xuất máy giặt, xuất sang Long Beach, California rồi tiêu thụ tại các cửa hàng ở Chicago - không còn được chuộng như vài năm trước.
Nhằm tránh phải nhập khẩu tất cả sản phẩm từ nước ngoài, nhà sản xuất nội thất Ikea của Thuỵ Điển đã mở nhà máy đầu tiên tại Mỹ vào tháng 5/2008. Một số công ty điện tử mấy năm trước rời sản xuất từ Mexico sang Trung Quốc để khai thác nguồn lao động giá rẻ giờ đây đang nối đuôi nhau về lại Mexico, đơn giản vì họ có thể giảm chi phí bằng cách vận chuyển sản phẩm bằng đường bộ sang Mỹ, thay vì đường thủy nếu từ Trung Quốc.
Dịch chuyển sản xuất
Chi phí vận chuyển một công-ten-nơ loại 40-foot từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Mỹ hiện nay là 8.000 USD, tăng gần 3 lần so với mức 3.000 USD hồi đầu thập kỷ, theo một khảo sát gần đây của ngân hàng đầu tư Canađa CIBC World Markets. Các tàu công-ten-nơ cỡ lớn đã phải giảm tốc độ tối đa gần 20% để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, do đó làm thời gian vận chuyển hàng trên biển kéo dài hơn.
Khảo sát của CIBC World Markets cũng cho biết mức tăng chi phí vận chuyển thời gian gần đây tương đương với mức thuế 9% trong thương mại.
Bên cạnh đó, việc chi phí vận chuyển tăng lại đến cùng thời điểm sức ép bảo vệ môi trường đang gia tăng. Nhiều công ty mấy năm gần đây đã chuyển hoạt động sản xuất từ những nước sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và áp dụng tiêu chuẩn khí thải carbon khắt khe hơn, đặc biệt là ở châu Âu, sang những nước có quy định “lỏng lẻo” hơn, như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với vấn đề bảo vệ môi trường, chống lại sự thay đổi khí hậu, thì ngay cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ phải áp dụng các biện pháp cắt giảm khí thải, và chi phí sản xuất ở những nước này sẽ tăng lên.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế hàng đầu thế giới lập luận rằng những dự đoán như vậy có thể là hơi quá. Ông Jeffrey D. Sachs, Giám đốc Viện nghiên cứu trái đất tại Đại học Columbia, nói: “Khoảng cách và chi phí thương mại có ý nghĩa quan trọng, nhưng chúng ta vẫn đang trong thời đại toàn cầu hoá.” Chi phí vận chuyển chỉ là một yếu tố trong dòng chảy thương mại quốc tế. Khi các công ty quyết định nơi sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới, hay chọn nhà cung cấp, họ còn lưu tâm đến các yếu tố như tỷ giá hối đoái, niềm tin của người tiêu dùng, giá nhân công, các quy định của chính phủ, mức độ sẵn có của nhân sự quản lý giàu kinh nghiệm và năng lực…
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc chi phí vận chuyển tăng mạnh có lẽ là những ngành sản xuất hàng trọng lượng nặng, thường có chi phí vận chuyển “ngang ngửa” với giá bán. Thép là một ví dụ. Xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Mỹ hiện đã giảm hơn 20% so với cùng thời điểm này năm ngoái và là mức tệ nhất trong 10 năm qua, trong khi sản xuất thép của Mỹ vẫn trên đà tăng, sau nhiều năm sụt giảm. Tương tự, các lĩnh vực như ô tô và máy móc nói chung, phụ tùng ô tô, máy ép công nghiệp, tủ lạnh, ti-vi và nhiều mặt hàng gia dụng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển gia tăng.
Những lĩnh vực đòi hỏi ít vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, như đồ nội thất, giày dép, đồ chơi…, có vẻ chậm rãi hơn trong việc chuyển dịch sản xuất nhằm đối phó với tình trạng chi phí vận chuyển gia tăng.
Mãi cho tới gần đây, mô hình “chuẩn” trong ngành nội thất Mỹ là chuyển gỗ xẻ từ các cảng như Norfolk, Baltimore và Charleston sang Trung Quốc để đóng bàn ghế, giường tủ, hộc để đồ…, rồi sau đó lại xuất ngược về Mỹ để tiêu thụ. Nhưng với tình hình chi phí vận chuyển cũng leo thang chóng mặt theo giá dầu như hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp chuyển gỗ đến các trung tâm sản xuất nội thất truyền thống ở ngay tại Mỹ.
Nhà sản xuất đồ gỗ nội thất nổi tiếng của Thuỵ Điểm đã mở một nhà máy mới ở Mỹ. Một số doanh nghiệp khác cũng có động thái tương tự, như Craftmaster Furniture, La-Z-Boy...
Chi phí vận chuyển gia tăng còn ảnh hưởng đến các mặt hàng thực phẩm, từ hoa quả đến cá, thịt.
Đặng Lê
Theo NYT