Chi phí dự phòng và nợ xấu tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng

(Dân trí) - Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, nợ xấu tăng trở lại, nhiều ngân hàng trích lập chi phí dự phòng rủi ro cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh doanh.

Lợi nhuận sụt giảm vì tăng chi phí dự phòng rủi ro lớn

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm do nhiều ngân hàng công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, xét về từng ngân hàng cụ thể, dù con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng do trích lập chi phí dự phòng rủi ro lớn.

Là một trong ba ngân hàng lớn trong khối quốc doanh, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 4.193 tỷ đồng, còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 7.282 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này bị đội lên tới 3.009 tỷ đồng, riêng quý I là 1.567 tỷ đồng; cùng với đó, chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm lên tới 5.657 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. 6 tháng đầu năm chi phí hoạt động của BIDV lên tới 5.781 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 4.526 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ngân hàng này chỉ đạt 3.311 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủ ro tín dụng là 7.837 tỷ đồng.


Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh, trích lập dự phòng rủi ro lớn

Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh, trích lập dự phòng rủi ro lớn

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank đạt 1.094 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ trích lập dự phòng, chỉ còn 363 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 164 tỷ đồng và sau thuế là 146 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Sacombank cũng sụt giảm 76% so với cùng kỳ do chi phí hoạt động trong khi tăng mạnh lên 2.724 tỷ đồng, tăng 8,4%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 731 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro là 740 tỷ đồng. Nhưng, chi phí dự phòng rủi ro chiếm mất 661 tỷ đồng, chi phí hoạt động lên tới 1.198 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 79 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 48 tỷ đồng và sau thuế là 36 tỷ đồng.

Nằm trong nhóm ngân hàng sụt giảm mạnh lợi nhuận do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng tăng mạnh, 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động VIB lên tới 993 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 348 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 651 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 302 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế 161 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng cao trở lại

Có thể thấy rằng, nợ xấu tăng cao trở lại chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phải nâng mức trích lập dự phòng rủi ro lên, “ăn mòn” lợi nhuận của chính họ.

Đơn cử như BIDV, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng nợ xấu là 13.183 tỷ đồng, với nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với cuối năm ngoái và chiếm một nửa tổng nợ xấu của ngân hàng này. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2%, nhưng giá trị tuyệt đối của ngân hàng này lại tăng lên khá nhanh, khoảng 31% so với cuối năm 2015.

Trước đó, tính đến hết năm 2015, BIDV là ngân hàng có lượng nợ xấu bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lớn nhất trong hệ thống, với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

VietinBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm.

Duy chỉ có Vietcombank là tỷ lệ nợ xấu giảm. 6 tháng đầu năm tổng nợ xấu là 7.470 tỷ đồng, tỷ lệ 1,74% giảm so với tỷ lệ 2,29% hồi cuối năm 2015.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, nợ xấu tăng nhanh phải kể đến Eximbank, khi tổng nợ xấu chiếm tới 4.285 tỷ đồng.

Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại Eximbank tăng vọt từ 1,9% lên 5,3%.

Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm.

VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015…

Nguyễn Hiền