1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chị em công sở bỏ việc buôn hàng Tết

Cuối năm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi ở cơ quan, nhiều chị em tìm cách đánh hàng kiếm thêm lấy tiền tiêu Tết.

Ít lương thưởng, đi buôn kiếm tết

Mấy tuần nay, hầu hết các buổi chiều đều không thấy mặt chị Huệ, một kế toán công ty bất động sản. Hỏi mới rõ, chị đang tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng nhập hàng quần áo bán Tết. Kinh doanh công ty giảm sút, lương thưởng không có chị "canh tác" để kiếm thêm. Sáng nào chị tới văn phòng cũng mang theo khệ lệ quần áo vừa để tiếp thị với đồng nghiệp vừa mang đi đưa cho khách.

Chị cho biết: "Mình lấy hàng xuất khẩu của chị hàng xóm bên cạnh để bán nên có giá rẻ. Sáng thì rao bán trên mạng còn chiều thì kiêm cả nhân viên chuyển hàng. Chỉ mong từ giờ đến cuối năm trời rét hơn và đông khách hơn". Theo tính toán sơ sơ của chị, đợt rét vừa rồi chị kiếm được tiền triệu, bằng cả tiền lương một tháng.

Chị Quyên, nhân viên hành chính tại Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội cũng tận dụng thời gian rảnh rỗi để bán quà Tết. Quê ở Tuyên Quang, sẵn có đầu mối lấy hàng thịt trâu gác bếp, chè khô, chị mạnh dạn nhập hàng về Hà Nội bán.

Giá một kg thịt trâu gác bếp là 700 nghìn đồng, chè Tân Cương là 250 nghìn đồng, nếu mua nhiều được chiết khấu và giao tới tận nơi miễn phí. Chị Quyên cho hay, tất cả các đặc sản đều do gia đình tự làm nên đảm bảo an toàn vệ sinh và chính hiệu. Không chỉ vậy, chị cũng khuyến mại cho khách thêm gói quà và ăn thử miễn phí.

Nhiều chị em tranh thủ bán hàng trên mạng kiếm tiền tiêu Tết
Nhiều chị em tranh thủ bán hàng trên mạng kiếm tiền tiêu Tết

"Năm ngoái mình mang xuống Hà Nội biếu cơ quan, ai cũng khen nên năm nay thử bán. Ngồi làm hành chính cũng nhàn nên kiếm tiền tiêu Tết. Trong lúc khó khăn như này, có thêm được đồng nào hay đồng đấy", chị Quyên tâm sự. Chị cùng chị bạn ở công ty còn tranh thủ làm thêm cả mứt dừa, mứt cà rốt bán thêm với giá 200 nghìn đồng/kg.

Không chỉ tận dụng thời giờ ở cơ quan mà chị Hải còn xin nghỉ hẳn buổi chiều để ra chợ bán. Chị cùng chung vốn với người nhà nhập hẳn một vườn bưởi Diễn để bán hàng Tết. Sau khi bán được cho đồng nghiệp bạn bè, số bưởi còn lại chị đổ đống ở chợ với giá trung bình 35 nghìn đồng/quả.

Lý do chị Hải thích buôn bán hơn công việc nhân viên văn phòng là kiếm được tiền "tươi". Mỗi ngày từ việc bán bưởi, chị cũng có vài trăm bạc để dành dụm. Mặc dù vậy, chị cũng không dám nghỉ việc. Chị cho hay: "Nói chung là buôn bán kiếm thêm thôi, chứ vấn đi làm là chính". Nhiều lúc, chị Hải vừa bán hàng vừa phải cầm điện thoại chỉ đạo công việc ở công ty.

Khi được hỏi về ý định nghỉ hẳn việc để bán hàng, chị Hải rụt è: "Tìm đủ lý do, sếp mới cho nghỉ. Kinh tế khó khăn mới phải ra buôn bán vỉa hè chứ ai sướng gì đâu."

Những chuyện cười ra nước mắt

Buôn bán ngày Tết lãi cao là vậy nhưng không phải chị em nào bỏ việc làm thêm cũng gặp may mắn. Như trường hợp chị Tâm, công ty truyền thông châu Á, không chỉ lỗ mà bị mất việc. Năm ngoái, chị Tâm đánh được mẻ quần áo từ Trung Quốc về với giá rẻ. Cũng tận dụng thời gian làm hành chính, chị rao bán trên mạng.

 

Hàng loạt đặc sản được rao bán
Hàng loạt đặc sản được rao bán

Mải mê buôn bán, công việc lỡ dở, chị bị nhiều lần khiển khách của sếp. Nghỉ Tết cũng là lúc chị nhận được thông báo cắt thưởng. Trong khi đó, hàng quần áo còn tồn kho nhiều, chị đành phải đổ đống ở vỉa hè để bán.

Cùng cảnh như chị Tâm, chị Lan Hương, ở quận Thanh Xuân cũng đã phải thua lỗ trầm trọng khi muốn thêm thu nhập Tết bằng việc bán hoa. Ngoài 20 tháng Chạp, chị đã xin nghỉ phép làm bán thời gian để bán hoa ở chợ.

Mặc dù lấy hoa tận chợ đầu mối, nhưng chị cũng không có lãi khi số lượng hàng ế còn nhiều. Năm ngoái, thời tiết rét hoa nở xấu, trong khi đó lo ngại đắt đỏ người mua cũng không nhiều.

Kinh tế khó khăn, làm thêm ở ngoài cũng là cách để chị em xoay sở đủ để lo kinh tế gia đình và mua sắm Tết. Tuy nhiên, nếu mải mê kiếm tiền sẽ dẫn tới việc bỏ bê công việc, chính vì thế mỗi chị em cần cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn.
 
Theo Duy Anh
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm