1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam thua xa Thái Lan, Trung Quốc

(Dân trí) - Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân/lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, Việt Nam chỉ chi 15 USD/người cho R&D, còn Thái Lan là 64 USD/người, Malaysia là 260 USD/người, Trung Quốc là 300 USD/người, Nhật Bản là hơn 2.300 USD/người.

Tại Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 vừa được Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng kết hợp với các bên liên quan tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra bức tranh thực tại của nền kinh tế Việt Nam, cũng như đưa ra những sáng kiến để thoát bẫy thu nhập trung bình và trở nên thịnh vượng vào năm 2045.

Chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam thua xa Thái Lan, Trung Quốc - 1

Việt Nam đang bị bỏ quá xa so với nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, yếu tố tác động lớn đến việc Việt Nam tận dụng Cách mạng 4.0 cho phát triển

Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, các nước thu nhập trung bình như Việt Nam có tăng trưởng nhanh trở thành nước thu nhập cao là nhờ tận dụng lợi thế dân số thông qua đầu tư vào nguồn vốn con người và phấn đấu tăng năng suất lao động.

Vị chuyên gia này đưa ra cho Việt Nam 3 kịch bản là tăng trưởng thông thường, tăng trưởng dựa vào đổi mới thông qua Cách mạng 4.0 và kịch bản ước vọng cao.

Theo đó, với kịch bản thông thường, GDP/người chỉ đạt tối đa 9.000 USD/năm; trong khi đó đổi mới theo Cách mạng 4.0 có kịch bản tối đa 12.000 USD/người/năm và kịch bản ước vọng cao có GDP/người đạt tối đa 14.000 USD/năm.

Chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam cần có cú hích từ đổi mới 4.0 để thúc đẩy đầu tư và nâng cao năng suất thì mới có thể đạt tăng trưởng nhanh, chất lượng cao được.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam cho hay, chi tiêu R&D bình quân/lao động của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, Việt Nam chỉ chi 15 USD/người cho R&D trong đó Thái Lan là 64 USD/người, Malaysia là 260 USD/người, Trung Quốc là 300 USD/người, Nhật Bản là hơn 2.300 USD/người.

"Xếp hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng đứng cuối bảng so với các nước trong khu vực. Năm 2018 đứng ở vị trí thứ 45 sau Thái Lan, Malaysia, chưa nói là quá xa so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc", GS Thuấn cho biết.

Theo ông Thuấn, hàng hóa nhập khẩu là công nghệ của Việt Nam vẫn chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiện có tới 11,7% máy móc của Việt Nam sử dụng trên 20 năm và 34% máy móc sử dụng trên 10 năm; chỉ khoảng 9% máy móc điều khiển bằng máy tính.

TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kì quan trọng, có tính quyết định đến việc Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.

Ông Ngoạn cho đây là giai đoạn được xác định kinh tế Việt Nam phải bứt phá với tốc độ tăng trưởng GDP từ 7 - 7,5%. Mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao (4.859 USD/người/năm) vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao (12.642 USD/người/năm) vào năm 2045.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 dựa vào thâm dụng vốn, lao động, khai khoáng và xuất khẩu... đã cũ, không còn lợi thế, Việt Nam phải đặt mình trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang phát triển mạnh, buộc các nền kinh tế phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

TS Ngoạn nhấn mạnh: Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia thành công. Và để thành công trong giai đoạn 2021 – 2045, TFP của Việt Nam phải tăng 2,67%.

"Nếu thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, GDP năm 2030 của Việt Nam có thể tăng thêm 60,6 tỷ USD; còn tới năm 2045, GDP có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, tăng thêm 1,1% hàng năm", ông Vũ Viết Ngoạn nói.

Đổi mới sáng tạo được hiểu là sử dụng tri thức để phát triển và ứng dụng ý tưởng mới, thay đổi sản xuất và quản lý, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, nó còn có những phát minh, truyền bá, ứng dụng tri thức để nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh của quốc gia.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm