Chỉ 1% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trực tuyến, Bộ Công Thương bị nhắc
(Dân trí) - Theo tin của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng vừa chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin báo chí nêu chỉ 1% doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu biết cách ứng dựng xuất khẩu trực tuyến để có đơn hàng.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ Công Thương có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với trường hợp báo chí nêu trên.
Trước đó ngày 8/12/2017, thông tin Việt Nam thuộc Top 10 trên thế giới về tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tính trên GDP (ở mức 93,6% so với mức trung bình của thế giới là 30%) và chỉ đứng sau một số quốc gia như Singapore, Malta, Ireland. Xuất khẩu có vị trí then chốt đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, ước tính chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách ứng dụng xuất khẩu trực tuyến để tạo ra đơn hàng đã được chí nêu ra.
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2017 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam (VECOM) chỉ rõ, năm 2017 thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Theo đó, DN tiết kiệm được 15 - 30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa.
Theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có tới 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nƣớc ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website.
Hiện tại Việt Nam, đã có doanh nghiệp tận dụng thương mại điện tử để phục vụ hoạt động kinh doanh, các phương thức chủ yếu là B2B (DN với DN), B2C (DN với người tiêu dùng) và C2C (cá nhân với người tiêu dùng). Các hãng thương mại điện tử đã kết hợp với nhiều hãng thương mại điện tử lớn để hoạt động thương mại, trong đó có những hãng khổng lồ như Amazon, Alibaba, ebay...
Theo VECOM, trong số DN xuất nhập khẩu tham gia khảo sát có website thì tỷ lệ website có tên miền .vn là 46%, có tên miền quốc tế là 54%, trong đó có tên miền .com và .net là 51%. Tỷ lệ website có tiếng nước ngoài là 63%. Như vậy, khuynh hướng các DN xuất nhập khẩu sử dụng tên miền quốc tế cho website của mình ngược hoàn toàn với các DN chú trọng tới thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM nhận định: “Năm 2017 có nhiều thay đổi, thói quen và nhu cầu mua sắm mới đang tạo nên những xu hướng mới và nhu cầu cần có những công nghệ và công cụ mới để tương thích cũng được hình thành theo đó. Vì vậy, những DN nào biết đón đầu xu hướng và có những bước đi phù hợp để tạo sự khác biệt sẽ nắm bắt được những cơ hội mới.
"Thương mại điện tử là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành công cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp”, Ông Hưng nhấn mạnh.
Nguyễn Tuyền