Chi 1 đô mua doanh nghiệp nợ... triệu đô

Thương vụ mua bán một doanh nghiệp vốn thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam với giá chỉ 1USD tại Hải Phòng là hiện tượng xưa nay chưa có.

3 tháng trước, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an bắt giam Chủ tịch kiêm TGĐ Cty CP công nghiệp - thương mại Thái Sơn Phạm Văn Thụ với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

 

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp, trước lúc vào trại, ông Thụ đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong tất cả các Cty “mẹ” và “con” của mình cho một DN mới thành lập ở TPHCM là Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa.

 

Vẫn biết, cơ chế thị trường cho phép các doanh nghiệp mua, bán nợ theo đúng quy định của pháp luật, nhưng thương vụ nói trên là hiện tượng lạ.

 

Tại Hải Phòng, đây là trường hợp đầu tiên công bố mua - bán doanh nghiệp với mức giá tượng trưng chỉ 20.000 đồng (tương đương 1USD). Nhưng, từ lạ đến… sốc, khi cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện bên bán cũng như bên mua không có khả năng thanh toán tổng số nợ lên đến 1.300 tỉ đồng.
 
Vụ mua bán doanh nghiệp chỉ 1 USD:

 

Vụ mua bán doanh nghiệp chỉ 1 USD:

Bài 1: Mua bán trước giờ vỡ nợ

 

Cùng bị bắt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có Phạm Hải Thanh - nguyên Tổng Giám đốc Cty CP CN-TM Thái Sơn (viết tắt là Cty Thái Sơn), Giám đốc Cty TNHH thép Minh Thanh và Dương Hoàng Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV sắt thép Thanh Sơn. Đây thực sự là cú sốc đối với người dân đất cảng; bởi lẽ năm 2011 Cty Thái Sơn là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng, có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

 

Nợ chồng lên… nợ

 

Ngày 8/8/2012, ông Phạm Văn Thụ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thái Sơn (trụ sở tại xã Nam Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) - cùng con trai là Phạm Hải Thanh và cộng sự đắc lực là Nguyễn Hoàng Sơn đã bị bắt tạm giam do liên quan đến các khoản “nợ xấu” hơn 1.300 tỉ đồng.

 

Giới kinh doanh tại Hải Phòng biết rõ ông Phạm Văn Thụ đã thu bộn bạc nhờ kinh doanh phế liệu từ việc phá dỡ tàu cũ, rồi sau đó chuyển sang buôn bán sắt thép.

 

Nhưng đến năm 2008, tại thời điểm giá sắt thép trên thị trường giảm gần một nửa, Cty Thái Sơn đã nhập về lượng lớn sắt thép dẫn đến thua lỗ gần 250 tỉ đồng, cộng thêm việc đầu tư xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển ở xã Lê Thiện, huyện An Dương; đó là chưa kể khoản tiền bị “đóng băng” do dự án đóng mới 3 con tàu chở hàng trọng tải 7.200 tấn cho Cty cho thuê tài chính II chỉ giải ngân được 85% trong tổng số 110 tỉ đồng...

 

Khoảng 2 - 3 năm tiếp theo, hàng tồn vẫn không bán được mà lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, Cty Thái Sơn lâm cảnh “nợ chồng lên nợ”. Tính đến cuối tháng 2/2012, Chủ tịch Cty Thái Sơn Phạm Văn Thụ nợ 12 ngân hàng và 1 Cty tài chính tổng số tiền 725 tỉ. Theo nhận định của các chủ nợ, tất cả khoản vay nói trên đến nay đã quá hạn và mất khả năng thanh toán.

 

Ngoài ra, Cty Thái Sơn còn nợ 7 doanh nghiệp khác không dưới 180 tỉ đồng. Riêng Cty TNHH thép Minh Thanh ở TPHCM của con trai ông Thụ nợ 380 tỉ đồng...

 

Và, điều cần lưu ý là mặc dù hàng tồn kho “ngập đầu”, nhưng cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh - đại diện Cty thép Minh Thanh - vẫn xoay xở để được vay tiếp 270 tỉ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại TPHCM để mua thêm 12.000 tấn sắt thép.

 

Ngay sau đó, Phạm Hải Thanh bán toàn bộ số thép vừa mua cho Cty Thái Sơn của cha ruột, để rồi ông Phạm Văn Thụ lại dùng số hàng mua bằng vốn vay đi thế chấp vay vốn của nhiều ngân hàng khác.

 

Trong thực tế, các doanh nghiệp liên quan đến đường dây mua bán lòng vòng của Cty Thái Sơn đều là “con”, “cháu” của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Thái Sơn Phạm Văn Thụ.

 

Chuyển nhượng cổ phần

 

Những người trong cuộc hiểu rõ “nợ xấu” như quả bom hẹn giờ, nhưng có lẽ “vụ nổ” Cty Thái Sơn còn lâu mới bị “kích hoạt” nếu không xuất hiện “đối tác” thứ ba - Cty tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa), trụ sở tại nhà riêng của TGĐ Ngô Quốc Hùng - 183/34 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh.

 

Theo Sở KHĐT Hải Phòng, đến cuối tháng 4/2012, Cty Trường Sa và những người sáng lập ra Cty này đã đạt được thỏa thuận “mua” hầu hết cổ phần trong tất cả các Cty của gia đình ông Phạm Văn Thụ.

 

Việc mua bán các DN có số nợ lớn nêu trên mới được công khai sau khi Sở KHĐT Hải Phòng báo cáo lên UBND TP, đồng thời gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hải Phòng để “tìm hiểu thông tin về hiện tượng khác thường trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp phân tích: “Cơ chế thị trường cho phép các DN mua, bán nợ công khai theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng Cty Trường Sa mới thành lập năm 2011, vốn nhỏ (tổng vốn đăng ký chỉ 4,9 tỉ đồng), năng lực chưa được chứng minh lại đi mua những DN có số nợ rất lớn như Cty Thái Sơn, dẫn tới những nghi ngờ về khả năng tái cơ cấu lại DN là khó thực hiện”.

 

Trong thực tế, ông Phạm Văn Thụ đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất của Cty Thái Sơn cùng với con dấu cho các “đối tác” mới quản lý, điều hành. Nhưng Cty Trường Sa chỉ chú ý đến mấy chiếc xe Lexus cùng những tài sản có giá trị còn “khai thác” được của Cty Thái Sơn mà không đề cập đến nghĩa vụ trả nợ và cũng chẳng thèm quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông!

 

 Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng Đan Đức Hiệp: “Thâu tóm doanh nghiệp tại thời điểm này, người nhận chuyển nhượng được hưởng lợi từ việc mua rẻ doanh nghiệp, đồng thời hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có chính sách dãn nợ, xóa nợ đối với một số khoản tín dụng. Tới đây, Ban chỉ đạo đổi mới DN thuộc UBND TP.Hải Phòng sẽ làm rõ những uẩn khúc trong việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển đổi sở hữu chủ tại các DN không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu người nhận chuyển nhượng cổ phần không thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm các quy định của Luật DN, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm”.

 

Theo Bảo Chân – Hoàng Hoan

Lao động