1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Chết” vì cây giống Trung Quốc

Hàng trăm nông dân ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Nam... đang điêu đứng vì cây trồng từ giống Trung Quốc thu hoạch rồi bán chẳng ai mua, cho không ai lấy.

Nông dân thị trấn Thạnh Mỹ và các xã lân cận của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đang khóc ròng trên cánh đồng cà chua rộng bạt ngàn chờ thu hoạch.

 

Ngậm quả đắng

 

Các hộ dân này đã bị các cơ sở cung cấp giống đánh tráo loại cà chua Anna (giống của Mỹ) thành cà chua Nato (xuất xứ từ Trung Quốc), vốn chưa được trồng khảo nghiệm trên địa bàn. Theo thống kê từ cơ quan chức năng huyện Đơn Dương, toàn huyện có 239 gia đình bị đánh tráo hơn 1,7 triệu cây giống cà chua.

 

Khi phát hiện giống cà chua đang trồng không phải Anna, nhiều hộ dân đã nhổ bỏ, thay thế bằng giống cà chua khác hoặc những loại hoa màu mới. Khoảng trên 100 nông hộ còn lại tiếp tục tung tiền đầu tư, chăm sóc. Đến nay, cà chua bắt đầu cho thu hoạch, bán không ai mua, cho không ai lấy, người trồng trắng tay.

 

Bà Tạ Thị Hoa (ngụ thôn Nghĩa Tân, thị trấn Thạnh Mỹ) kể: Gia đình bà trồng 7 sào cà chua Anna, mua giống tại một vườn ươm quen ở thị trấn. Miệt mài chăm sóc, khi cây cao được khoảng 50 cm, gia đình mới vỡ lẽ đây là giống Nato. Thế nhưng, chủ vườn ươm vẫn động viên, khuyên gia đình cứ tiếp tục chăm sóc, khi ra quả sẽ có người tới thu mua.

 

“Đến nay, dù trái chín mọng chờ thu hoạch nhưng tư thương chê chất lượng cà chua Nato thấp, thu mua giá rẻ bèo. Sau nhiều ngày chờ đợi, một tiểu thương tới hỏi mua với giá 4.000 đồng/cây. Với mức giá này, gia đình tôi thiệt hại tới 200 triệu đồng” - bà Hoa tiếc rẻ.

 

Cà chua Nato đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không ai mua.
Cà chua Nato đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không ai mua.

 

Trong khi đó, chưa có năm nào người dân trồng ớt ở 2 xã Duy Trinh và Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại lâm vào cảnh khốn khó như năm nay. Bà Trần Thị Hải (ngụ xã Duy Châu) cho biết năm ngoái, tư thương đi thu mua ớt đến vùng này đã phát miễn phí ớt giống mới cho dân. Ớt giống được gói trong bao bì in toàn chữ Trung Quốc, trên bề mặt có hình chùm ớt xanh. Tư thương cũng hứa hẹn sẽ thu mua ớt cao hơn giá thị trường nên mọi người đua nhau trồng loại Trung Quốc.

 

Khi trồng, ớt phát triển rất nhanh, cây to, khỏe nhưng khi cao được khoảng 15-20 cm thì bắt đầu rụi lá, thối rễ và chết dần. Một số cây còn sống sót dù ra quả nhưng do chiều cao hạn chế nên ớt chạm xuống đất bị thối hết. Ông Trần Tấn Trung (xã Duy Trinh) than thở: “Gia đình tôi trồng đến 3 sào ớt nhưng chết gần hết, chỉ còn thu hoạch được chừng 50 kg. Vậy mà các tiểu thương ép giá xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg”.

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp xã Duy Trinh, trên địa bàn xã có 15 hộ sử dụng giống ớt Trung Quốc gieo trồng trên diện tích 2 ha. Trong đó, khoảng 30% cây bị chết hoàn toàn, một số bị bệnh hoặc quả sắp thu hoạch thì bị thối. Không chỉ vậy, năng suất của giống ớt Trung Quốc rất thấp, mỗi sào thu hoạch chỉ được khoảng 800 kg, trong khi những loại ớt khác đạt 1,5-1,7 tấn.

 

Doanh nghiệp lừa dân

 

Nhận được phản ánh của người dân, cơ quan chức năng các địa phương đã vào cuộc để thống kê thiệt hại và xử lý cơ sở cung cấp giống hay vườn ươm đã tiếp tay đưa giống Trung Quốc chưa được cấp phép vào Việt Nam.

 

Tại tỉnh Đắk Lắk, ngày 18/7, ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa quyết định xử phạt hành chính HTX Nông nghiệp Cư Puôr (huyện Ea Kar) vì đưa giống bí Nhất Phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc vào trồng tại 2 huyện Ea Kar và Krông Bông nhưng không báo cáo với cơ quan kiểm dịch thực vật địa phương.

 

Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ NN-PTNT tiếp tục làm rõ đơn vị phân phối giống bí này là Công ty CP Đầu tư phát triển Nông nghiệp Việt Nam (trụ sở ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu hay không.

 

Trước đó, đầu năm 2013, HTX Nông nghiệp Cư Puôr đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển Nông nghiệp Việt Nam triển khai trồng giống bí đỏ tròn Nhất Phẩm ở 2 huyện này. Hàng trăm hộ dân đã lâm vào cảnh nợ nần do bí Nhất Phẩm cho năng suất rất thấp.

 

Trong khi đó, theo cơ quan chức năng huyện Đơn Dương, các đại lý cung cấp hạt cà chua giống cho những vườn ươm đều thông báo đây là giống Nato, có nhãn mác, bao bì và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Tuy vậy, khi các vườn ươm bán giống ra thị trường thì lại nói đây là cà chua Anna để đánh lừa nhà vườn. Hạt giống cà chua Nato vốn rẻ hơn Anna tới 10 triệu đồng/kg.

 

Hiện các đơn vị cung cấp hạt giống và vườn ươm đã thống nhất với số cây giống mà người dân đã nhổ bỏ, trồng lại thì vườn ươm sẽ hoàn trả tiền giống. Những hộ nào vẫn chăm sóc và chuẩn bị thu hoạch thì đơn vị cung cấp hạt giống sẽ chấp nhận thu mua lại toàn bộ sản phẩm. Đại lý cung cấp hạt giống sẽ nhận bồi hoàn 1/3 số tiền cây giống, số còn lại các vườn ươm phải bồi thường cho người dân.

 

 Cảnh giác với giống cây ngoại

 

Trước tình trạng nông dân nhiều nơi sử dụng giống cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, chất lượng kém, gây thiệt hại nặng nề, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, cho rằng nhà nước đã có những quy định rất cụ thể về việc sử dụng các loại giống cây trồng ngoại nhập. Các giống này phải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và trắc nghiệm, sau khi đạt tiêu chuẩn mới được công nhận và đưa ra thị trường.

 

Ông Dư cho rằng việc sử dụng giống cây trồng không có nguồn gốc rõ ràng rất nguy hiểm. Những giống cây này thường không có tính ổn định về chất lượng, thậm chí còn mang mầm mống sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì vậy, nông dân cần hết sức cảnh giác, không nên ham rẻ, hám lợi trước mắt mà sử dụng các giống cây trồng của nước ngoài đang được bán trôi nổi trên thị trường, dễ bị thiệt hại nặng nề.

 

V.Duẩn

 

Theo NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm