Chênh lệch giá vàng tạo nguy cơ cho tỷ giá

(Dân trí) - Bộ Công thương cho rằng, mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp để ổn định thị trường, song mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới - có lúc lên tới 7 triệu đồng/lượng đã khiến cầu USD nhập lậu vàng tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá.

Trong suốt 4 tháng đầu năm 2013, tỷ giá USD/VND đã được giữ ổn định và bắt đầu có biến động tăng mạnh hơn từ đầu tháng 5 và trong suốt tháng 6. 

Tính đến ngày 21/6/2013, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD ổn định ở mức 20.828 VND/USD, tỷ giá mua trung bình của các NHTM tăng khoảng 0,9% so với đầu năm. 

Đến thời điểm cuối tháng 6/2013, tỷ giá USD/VND tại các NHTM được niêm yết ở mức kịch trần biên độ, 21.036 đ/USD (giá bán ra). Trên thị trường tự do, giá USD được giao dịch ở mức cao 21.350 đ/USD (mua vào) - 21.390 đ/USD (bán ra).

Cầu USD để nhập lậu vàng tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Cầu USD để nhập lậu vàng tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD.

Lý giải về tình trạng “sốt” USD, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), nhận định, nguyên nhân trước hết nằm việc NHNN chào bán USD ở mức 21.036 đ/USD - kịch trần biên độ 1%, đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ cao hơn khi các ngân hàng giữ trạng thái âm ngoại tệ. 

Chính vì vậy, các NHTM có tâm lý cố gắng duy trì trạng thái dương ngoại tệ và từ đó gây xáo trộn trên thị trường trong tháng 6/2013.

Bên cạnh đó, cầu USD để nhập lậu vàng tăng cao khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới luôn ở mức cao (có thời điểm chênh lệch tới 7 triệu đồng/lượng) mặc dù NHNN đã đẩy mạnh bán vàng để ổn định thị trường.

Bộ Công thương cho rằng, mặc dù NHNN có những nỗ lực để bình ổn thị trường vàng song việc giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới sẽ khiến nguy cơ nhập lậu vàng vẫn còn. Đây sẽ là mối đe dọa cho sự ổn định tỷ giá 6 tháng cuối năm.

Nhập siêu tăng trở lại, đạt mức 1,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm cũng là một nguyên nhân khiến USD trở nên đắt hơn. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt như gạo, cà phê, thủy sản... đang gặp nhiều khó khăn khiến ngoại tệ mà các doanh nghiệp thu về và bán cho NHTM giảm đáng kể. 

Ngoài ra, lãi suất huy động VND và USD ngày càng bị thu hẹp khiến một bộ phận người dân chuyển từ gửi tiết kiệm VND sang USD và cũng là nguyên nhân khiến tăng cầu USD.

Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn cho rằng, xu thế tăng tỷ giá USD/VND thời gian qua chỉ mang tính thời điểm do sự mất cân bằng cung - cầu USD cục bộ. 

Trong 6 tháng cuối năm, các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá USD/VND vẫn khá khả quan (lãi suất huy động USD giảm, nguồn cung USD qua luồng FDI đảm bảo và dự trữ ngoại hối liên tục tăng). 

Bên cạnh đó là khẳng định của NHNN về việc không phá giá VND, nhưng cũng sẽ không cố giữ tỷ giá USD/VND bằng mọi giá mà sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thị trường tại từng thời điểm. 

Bộ Công thương dự báo, tỷ giá USD/VND trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng nhưng nằm trong tầm kiểm soát của NHNN và không gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gây xáo trộn đối với nền kinh tế. 

Nhiều khả năng, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cuối năm 2013 sẽ tăng lên mức từ 21.500 - 21.700 đ/USD dưới tác động của cầu USD tăng trong khi cung USD không có đột biến.

Bích Diệp