Chê than trong nước, Formosa đòi tự nhập than cho nhiệt điện

(Dân trí) - Vì lý do than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai, do đó mới đây Công ty Hưng nghiệp Formosa đã đề nghị Tổng cục Hải quan cho tự đứng ra nhập than.

Formosa lý giải, theo hiểu biết về các quy định của luật pháp Việt Nam, họ là doanh nghiệp (DN) có kinh nghiệm và có nguồn cung tốt, do đó được quyền tự nhập than không qua doanh nghiệp nào cả.

Cụ thể, trong văn bản gửi đế Tổng cục Hải quan ngày 5/10/2016, Formosa lý giải, từ khi công ty này đặt chân đến Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 năm 2011 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đầu tư đã xin phép Chính phủ được nhập than để sử dụng cho nhà máy nhiệt điện.

Sau bão dư luận về thảm họa môi trường biển gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, Công ty Formosa yêu cầu được phép tự nhập than để phục vụ nhà máy điện của DN này.
Sau bão dư luận về thảm họa môi trường biển gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, Công ty Formosa yêu cầu được phép tự nhập than để phục vụ nhà máy điện của DN này.

Sau đó, các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên của Formosa.

Trước đó, để đáp ứng đề nghị của Formosa, ngày 2/9/2016, Chi cục Hải quan Nhơn Trach (Đồng Nai) đã hướng dẫn cho Formosa thực hiện các thủ tục nhập than, trong đó có ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Than Đông Bắc. Đây là hai DN đầu mối chính vẫn nhập than về trong nước.

Theo Formosa, việc nhập than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện của công ty này là hợp lý, được sự đồng thuận và phù hợp theo các văn bản của bộ ngành Việt Nam hiện nay.

Hơn nữa, theo sự hiểu biết về pháp luật và quy định, thì các DN chưa nhập khẩu than đá thì mới tìm ký hợp đồng với hai doanh nghiệp nói trên để tìm nguồn cung ổn định, chất lượng và giá cả phù hợp.

Còn với Formosa đã có nhiều năm kinh nghiệm nhập khẩu, nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá cả phù hợp rồi, Formosa không cần thiết phải ký kết với hai DN nói trên.

Trên thực tế, việc nhập than về tiêu thụ trong nước hiện đa số thực hiện qua các đầu mối như TKV và một số công ty được Nhà nước chỉ định. Nhiều chuyên gia cho hay, việc nhập than qua các DN này chủ yếu kiểm soát về chất lượng nguồn than, vấn đề môi trường, hạn chế việc nhập khẩu than không đúng chủng loại, tiêu chuẩn và chất lượng.

Trước đó, theo con số báo cáo của Tổng cục Hải quan, số lượng nhập than của Việt Nam trong 9 tháng qua đã đạt 10 triệu tấn, vượt xa rất nhiều con số dự đoán của Bộ Công Thương là trên 3 triệu tấn/năm. Các thị trường cung cấp than chủ yếu cho Việt Nam là Nga, Trung Quốc và Indonesia, trong đó nhập than từ Trung Quốc đang có giá cao nhất, trên 71 USD/tấn, cao hơn con số trung bình của thế giới từ 50 USD, vượt xa giá than của Nga và Indonesia.

Nguyễn Tuyền