1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

ChatToday: Hé lộ cách công ty cầm đồ cho vay lãi suất cao mà vẫn hợp pháp

Mộc An
ChatToday

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết các công ty thường đưa ra nhiều loại phí khác nhau để có thể tăng được mức lãi suất cho vay.

Sau sự kiện công an TPHCM khám xét trụ sở và nhiều chi nhánh của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 tại TPHCM, dư luận dấy lên tranh cãi xung quanh hoạt động kinh doanh về cho vay và thu hồi nợ của các công ty tài chính cá nhân. Một trong những vấn đề "nóng" được mọi người quan tâm là về lãi suất cho vay.

Trên facebook xuất hiện không ít hội nhóm được lập ra để chia sẻ cách bùng nợ từ hàng chục đến vài trăm nghìn thành viên. Một thành viên trong nhóm bùng nợ cho biết mình vay tại một công ty tài chính tiêu dùng tiền gốc là 30 triệu đồng nhưng tiền lãi lên tới 10 triệu đồng. Một trong những lý do chính khiến những hội nhóm này được lập ra là những người này không có khả năng chi trả nên tìm cách để trốn nợ.

Cách lách luật của công ty dịch vụ cầm đồ

Câu hỏi được đặt ra là các công ty tài chính cá nhân được phép cho vay với mức lãi suất bao nhiêu và thường dùng những thủ thuật gì để tăng được lãi suất cho vay lên cao như vậy?

Chia sẻ tại ChatToday số ngày 16/3, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLaw, cho biết, công ty tài chính là các tổ chức phi ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước là đơn vị quản lý. Tuy nhiên một số đơn vị như F88 là công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý.

Đối với những tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng nhà nước có những quy định quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên với các dịch vụ cầm đồ thì hiện nay chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh và đủ tiêu chuẩn để quản lý lĩnh vực này.

Luật sư tiết lộ cách các công ty cầm đồ lách luật tăng lãi suất cho vay (Video: Trần Phương).

Hiện nay, theo quy định của Bộ Luật dân sự, các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng hoặc ngay cả dịch vụ cầm đồ được phép áp dụng mức lãi suất thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm. Một đơn vị áp dụng mức lãi suất quá 20%/năm thì sẽ vi phạm pháp luật và khi lên đến mức 100%/năm sẽ phạm tội cho vay nặng lãi. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố.

Tuy nhiên các công ty dịch vụ cầm đồ có cách để lách quy định này bằng việc để mức lãi suất hàng tháng thay vì hàng năm. Bên cạnh đó họ còn tính thêm các loại phí như phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm cho khoản vay, phí tư vấn, phí khác...

Luật sư Hà cho biết hiện có lỗ hổng pháp luật rất lớn đối với hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân đặc biệt là dịch vụ cầm đồ.

Theo ông, phần lớn dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay đều vi phạm trần lãi suất, chưa có quy định pháp luật về việc có tính các chi phí thẩm định hồ sơ, quản lý hồ sơ xem là lãi suất hay không.

Việt Nam học được gì từ các nước?

Khách mời của ChatToday cho biết hoạt động tài chính vi mô, cho vay nhỏ lẻ thủ tục nhanh gọn phát triển rất nhanh tại các nước trên thế giới. Các nước đã có những hành lang pháp lý quy định rất chặt chẽ đối với lĩnh vực này, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Tại các nước, ngoài lãi suất các công ty không được sử dụng phí hoặc bảo hiểm để lách luật để cộng thêm vào khoản vay.

Hoạt động thu hồi nợ cũng được các nước quản lý rất chặt chẽ. Những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm ngay lập tức đưa ra tòa án xét xử. Bên cạnh đó, các nước sử dụng công cụ tư pháp như thủ tục rút gọn, tòa án để thu hồi nhanh khoản nợ cho vay không lớn.

Đối với Việt Nam, các đơn vị không sử dụng công cụ tòa án do số tiền nhỏ, thời gian xử lý lâu nên thường chọn hình thức vi phạm pháp luật.

Luật sư Hà cho biết, những vấn đề thị trường trong nước đang gặp phải như lãi suất cao, lãi suất cắt cổ,  thủ tục đòi nợ thì các nước trên thế giới đã gặp phải và có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Chúng ta có thể nghiên cứu bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia để điều chỉnh, bởi nhu cầu xã hội đối với những khoản vay nhỏ rất lớn. Đây là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp mong muốn gia nhập, kinh doanh chính trực, hợp pháp.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.