ĐBSCL

"Chất cấm" làm khổ người nuôi cá, nuôi heo

(Dân trí) - Thông tin thịt heo, cá điêu hồng nhiễm chất cấm đã sáng tỏ, sức mua tăng trở lại, giá thịt, cá ngoài chợ tăng lên. Thế nhưng những hộ chăn nuôi ở ĐBSCL vẫn không tìm được đầu ra nên thua lỗ nặng.

Người nuôi heo “cười ra nước mắt”

Trung tuần tháng 3, ngành thú y phát hiện trong thịt lợn chứ chấm cấm beta-agonist - nhóm chất tăng trưởng cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ngay sau đó, người tiêu dùng quay lưng với loại thực phẩm thường dùng này, kéo giá thịt heo rớt giá thê thảm, đẩy người chăn nuôi vào cảnh khốn đốn.

Rất may các cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn kịp thời việc buôn bán và sử dụng chất cấm trong ngành chăn nuôi lợn. Người tiêu dụng quay trở lại sử dụng thịt heo làm thực phẩm chính trong bữa ăn. Cụ thể, tại các chợ đầu mối ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, … thịt heo tiêu thụ mạnh, giá cả tăng trở lại giao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg.

Chất cấm làm khổ người nuôi cá, nuôi heo

Sức mua thịt heo ở các chợ đã tăng, nhưng người nuôi heo thì vẫn còn rầu lo vì giá chưa tăng

Thế nhưng có điều nghịch lý ở đây là bà con nuôi heo ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn đốn khi giá heo hơi liên tục giảm. Anh Nguyễn Thanh Hiện - xã Xuân Thắng (Cần Thơ) cho biết: “Việc sử dụng chất tạo nạc không còn nữa, người tiêu dùng đã sử dụng trở lại nhưng các thương lái vào mua heo hơi chỉ từ 3.900.000 - 4.000.000 đồng/100kg. Nếu giá này chúng tôi chẳng có lời đồng nào sau 5 tháng bỏ công chăm sóc đàn heo!” Giá heo hơi chưa tăng trở lại không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, … vẫn chung tình cảnh “ế hàng” thê thảm. Anh Bùi Thanh Minh - P2, Thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết: “Gia đình tôi làm bột nên tận dụng phế phẩm nuôi heo kiếm lời chút đỉnh. Nhưng với giá 3.800.000 - 3.900.000 đồng/100kg thì làm sao có lời. Theo anh Minh tính toán, giá heo con từ 1.300.000 - 1.400.000 đồng/con, tiền thức ăn, tiền tấm cám nuôi một con heo đạt 100kg thì trên 2.000.000 đồng (chưa tính tiền thuốc men khi heo bệnh - PV). Như vậy, với giá bán hiện nay thì người nuôi đã mất công 5 tháng nuôi heo mà còn bị lỗ từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Đó là việc nuôi heo diễn ra “thuận buồm” nếu lỡ chết 1,2 con là mất vốn làm ăn. Không may mắn như anh Minh, anh Nguyễn Đăng Khoa - Chợ Gạo (Tiền Giang) nói như khóc: “10 con heo của tôi mỗi con trên 100kg rồi, cá tuần nay gọi lái vô bán nhưng họ chỉ hẹn lần hẹn lựa rồi biệt tâm. Biết mình cần bán nên họ ép giá từ 3.900.000 xuống 3.700.000 đồng/100kg. Tôi xem thời sự thấy giá thịt heo ngoài chợ cao ngất ngưỡng nhưng không hiểu sao họ lại ép giá mình như vậy! Nhưng để chi trả tiền thức ăn buộc lòng phải bán dù phải chịu lỗ 3 - 4 triệu đồng.” Người nuôi cá điêu hồng đứng ngồi không yên

Sau khi nhận biết cá điêu hồng không chứa chất cấm, người tiêu dùng không còn tâm lý e ngại, tiếp tục sử dụng cá điều hồng trong bữa ăn hàng ngày. Chính dấu hiệu tích cực này, vừa qua chúng tôi dạo quanh một số chợ lớn tại Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, … cho thấy giá cá điêu hồng tăng trở lại.

Cụ thể ngay thời điểm có tin đồn cá điều hồng nhiễm chất cấm, giá cá có lúc rớt xuống 27.000 - 28.000 đồng/kg, đáng nói nhiều sạp bán cá lâm vào cảnh ế hàng không ai mua. Nhưng hiện tại cá điêu hồng được bán tại các chợ đầu mối từ 32.000 - 35.000 đồng/kg. Riêng trong hệ thống siêu thị như: Co.opMart, Vinatex, … thì giá bán không dưới 42.000 đồng/kg.

Trái chiều với niềm vui của các tiểu thương bán cá điều hồng tại chợ, hàng ngàn hộ dân nuôi cá điêu hồng tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, … lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất, nhiều hộ thậm chí còn treo bè vì giá cá liên tục giảm, bán cá không được.

Chất cấm làm khổ người nuôi cá, nuôi heo

Nhìn đàn quá lứa, tăng trọng từng ngày anh Tạ Văn Việt không khỏi gầu lo khi giá cá dậm chân tại chỗ!

Ông Nguyễn Văn Dũng - một hộ nuôi cá điêu hồng ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp than thở: “Tôi nuôi được 6 bè (diện tích 6x12) cá đạt trọng lượng 0,5 – 0,8kg/1 con. Đây là giai đoạn vỗ cá thế nhưng 2 tuần nay các chủ bán thức ăn thấy giá cá rớt quá nên họ không bán thiếu cho chúng tôi như trước nữa. Buộc lòng chúng tôi phải vây ngân hàng, lấy tiền mua thức ăn nhưng chỉ cho cá ăn cầm chừng thôi!”

Tại xã Bình Thành có trên 100 hộ nuôi cá điêu hồng dọc theo sông Tiền. Hầu hết những hộ nơi đây đều lầm vào tình cảnh như anh Dũng, phải vây ngân hàng để lấy tiền mua thức ăn cho cá. Nhưng điều đáng nói là mỗi ngày có 1, 2 thương lái đến mua cá (lúc trước mỗi ngày có trên chục hộ mua cá) với giá từ 25.000 - 26.000 đồng/1kg.

Hộ Đoàn Văn Thắng - xã Bình Thạnh hiện có trên 40 tấn cá quá lứa mỗi con đạt trọng lượng 1 - 1,2 kg, cần bán gấp. Nhưng bán với giá cá này trung bình 1kg ông Thắng phải lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Vì theo ông Thắng cho biết để nuôi 1kg cá điêu hồng thành phẩm (trọng lượng từ 0,9 - 1kg) thì tốn từ ít nhất từ 29.000 - 30.000 đồng/1 kg.

Đến các hộ nuôi cá điêu hồng ở Châu Phú (An Giang), quận Bình Thủy (Cần Thơ), Vĩnh Long… đều có chung tâm trạng “ngồi trên đóng lửa” khi cá mỗi ngày tăng trọng mà giá cá mỗi ngày một giảm. Nhiều hộ cắt lỗ bấm bụng bán tháo, trung bình 1 hộ nuôi 6 lồng (6x12) lỗ từ 60.000.000 - 70.000.000 đồng/ lồng.

Hiện tại nhiều hộ nuôi cá không có tiền đầu tư trở lại đành ngậm ngùi treo lồng. Đây cũng là lí do kéo giá cá giống điêu hồng từ mức 40.000 - 45.000 đồng/1 kg nay chỉ còn 25.000 đồng/kg, khiến những trung tâm cung cấp con giống thất thu đáng kể.
 
Theo kỹ sư Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Thủy sản Đồng Tháp cho biết  Đồng Tháp có 666 hộ tham gia nuôi cá diêu hồng rãi rác ở 1.765 bè, sản lượng ước thu hoạch trong một vụ đạt trên 13.000 tấn. Từ thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm trifluralin đã đẩy hàng trăm hộ nông dân nuôi cá lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần. Nhưng thời gian tới ngành sẽ tổ chức lại việc nuôi cá của người dân theo từng vùng, giảm mật độ lồng bè, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật nuôi cá, …

Ngô Nguyễn