Chánh Tín mất nhà, tố rõ bản chất nợ xấu
Vụ việc lùm xùm quanh khoản vay liên quan đến nghệ sĩ Chánh Tín và Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) lại một lần nữa chỉ ra những bất cập trong cách cho vay và quản lý khoản vay cũng như nợ xấu của nhà băng.
Tự gây họa
Thứ nhất, đó là việc thẩm định tín dụng và quyết định giá trị khoản vay quá lỏng lẻo. Trước khi ký hợp đồng vay vốn với Công ty Điện ảnh và truyền thông Chánh Tín, PNB đã định giá ngôi nhà 9 tỉ đồng. Nhưng sau đó PNB cho công ty vay 8,3 tỉ đồng, tức tỷ lệ tiền vay trên giá trị tài sản định giá rất cao, tới 92%.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Tại thời điểm 2008, quy định cho phép NH được cho vay tối đa 100% giá trị định giá tài sản bảo đảm tùy phương án cho vay và uy tín khách hàng. Nhưng thông lệ trên thị trường, các NH chỉ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản được định giá, mà số hợp đồng được cho vay tới tỷ lệ này cũng không nhiều. Đa số khoản vay trên thị trường ngân hàng được cho vay bằng 50% giá trị tài sản định giá. Vì thế, có thể thấy, PNB cho vay với tỷ lệ cao như vậy quả là 'thoáng quá mức'.
Thứ hai, một câu hỏi được đặt ra là liệu có chuyện NH và người vay đã bắt tay để lách luật. Sau khi vay tiền chưa đầy một năm, ông Chánh Tín và đại diện NH đã song phương hủy hợp đồng vay vốn mà không có sự có mặt của bên thứ ba là ông Nguyễn Chánh Minh Thức, con trai ông Chánh Tín, người đại diện pháp luật của công ty Chánh Phương và một trong ba bên tham gia trong hợp đồng vay vốn.
Đây là lỗ hổng để Chánh Tín sau đó lấy cớ xin hoãn bản án mà Tòa phúc thẩm đã tuyên với kết luận yêu cầu ông trả nhà cho PNB. Tòa án tối cao một phần vì lẽ đó đã chấp nhận cho hoãn bản án tới 2 lần khiến vụ việc nhiều năm chưa dứt điểm, khiến NH và những người tham gia xử lý đều mệt mỏi.
Khi hủy xong hợp đồng vay vốn, PNB đồng ý nhận chuyển nhượng căn nhà của Chánh Tín với giá 10,5 tỉ đồng. Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam, ông Nguyễn Văn Nhân tại cuộc gặp ngày 18/3 cho biết, giá đó do Chánh Tín đề nghị. NH có quyền mua tài sản để sử dụng cho mục đích của mình. NH có quyền nhận tài sản thế chấp thay thế nghĩa vụ trả nợ, mua tài sản nhận gán nợ và được giữ tài sản thế chấp tối đa 3 năm và trong thời gian đó được bán đi để thu nợ. NH cũng được mua theo giá thị trường tức ở thời điểm chuyển nhượng nhà thì giá nhà đó được xác định lại và dựa trên giá thị trường.
Nhưng tại sao 10,5 tỉ? PNB giải thích giá đó bao gồm 2 khoản vay, 8,3 tỉ và 1,1 tỉ (khoản tiền sau đó ông Chánh Tín vay thêm). Ông Chánh Tín phải chuyển nhượng căn nhà như một hình thức để gán nợ vì sau khi vay ông không trả được nợ gốc và lãi hàng tháng theo hợp đồng. Như vậy, liệu có hay không việc NH cho vay thêm để khách hàng trả lãi? Các trường hợp này không thể hiện trên hồ sơ vay vốn, nhưng trái với quy định của NHNN.
Những điểm mờ khó hiểu
Đặc biệt, một nguyên nhân được nói nhiều là Chánh Tín gặp khó do thua lỗ do thực hiện bộ phim Dòng máu anh hùng. Trong thực tế, bộ phim này phát hành năm 2007, mà hợp đồng vay tiền của công ty ký năm 2008 (thời hạn từ 9-7-2008 đến 9-7-2011), tức số tiền đó không phải để làm phim như Chánh Tín nói mà được hiểu rằng để trả nợ cho các khoản công ty đã vay để đầu tư vào bộ phim.
Việc "đổ lỗi" hết cho bộ phim cũng không đúng vì những ai quen với Chánh Tín đều biết ông đầu tư bất động sản, quán cà phê, nhà hàng, các dự án điện ảnh và cả các hoạt động cá nhân khác chứ không phải chỉ phim Dòng máu anh hùng.
Ngoài ra, trong câu chuyện này, NH cũng chưa làm rõ về quan hệ chưa rõ ràng giữa NH và người vay. Báo cáo thường niên các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 của ngân hàng đều ghi rõ PNB từng là cổ đông lớn đầu tư vào Chánh Phương Film - Công ty của Chánh Tín và là nhà sản xuất của bộ phim Dòng máu anh hùng. Năm 2006 ngân hàng đã góp 3 tỉ 183 triệu đồng vào công ty trên như một công ty liên kết và các năm sau đó dù khoản đầu tư trồi sụt nhưng nhà băng vẫn giữ tỷ lệ sở hữu 4-8% tại Chánh Phương Film. Báo cáo thường niên từ năm 2011 của PNB không còn thể hiện khoản đầu tư trên.
Thông tin nghệ sỹ Chánh Tín cung cấp cho biết, bên vay tiền là Công ty cổ phần điện ảnh và truyền thông Chánh Tín. Nhưng Báo cáo thường niên của PNB cho biết ngân hàng là cổ đông lớn của Chánh Phương Film, hãng phim của gia đình nghệ sỹ. Hai công ty này khác nhau.
Một nguồn tin liên quan đến ngân hàng cho chúng tôi biết do trước đây lãnh đạo cũ của PNB có quan hệ bạn bè thân thiết với Chánh Tín nên đã đầu tư một khoản tiền vào công ty của nghệ sỹ. Khoản đầu tư này được rút ra chưa, một đại diện của ngân hàng nói họ "chưa biết vì chưa kiểm tra lại sổ sách".
Năm 2008, khi khoản vay gốc được ký kết, khi đó ngân hàng chưa bị cấm cho vay với công ty mà NH là cổ đông lớn dù luật có định nghĩa về 'khách hàng có liên quan với ngân hàng' và NH không được cho vay các khách hàng có liên quan với điều kiện ưu đãi.
Nhưng với hợp đồng vay vốn trên, PNB đã quá nới tay rót tiền trở lại cho công ty "cùng một chùm" với công ty mình đã rót tiền đầu tư vào trước đó. Đây chỉ là một khoản đầu tư và cho vay trong hàng nghìn hợp đồng vay vốn của ngân hàng, và người ta không thể không đặt dấu hỏi về sự chuẩn mực của các khoản vay khác.
Theo Hồng Phúc