DMagazine

Chân dung nữ tướng thề sẽ giành lại ngôi vị từ tay Tesla

(Dân trí) - Bà Mary Barra là một trong những nữ lãnh đạo thành công nhất trong lĩnh vực ô tô. Dưới sự dẫn đắt của bà, General Motors đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và đang dần tìm lại vị thế của mình.

Chân dung nữ tướng đầu tiên của ngành ô tô và hành trình tìm lại vị thế đã mất

Năm 2017, hãng xe điện non trẻ của tỷ phú Elon Musk đã vượt mặt "ông lớn" của ngành xe hơi nước Mỹ là General Motors (GM) để trở thành hãng xe có giá trị nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, ngôi vị này có thể sắp sửa lại đổi chủ khi nữ tướng của GM là bà Mary Barra mới đây thề sẽ đưa mảng xe điện của GM vượt qua các đối thủ truyền thống và thậm chí vượt cả Tesla sau nhiều năm ấp ủ, từ đó lấy lại vị thế hãng xe có giá trị nhất trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới.

Nữ tướng đầu tiên của ngành xe hơi nước Mỹ

Mary Barra, sinh năm 1961, hiện là Chủ tịch kiêm CEO của GM. Tiếp quản "ghế nóng" của hãng xe có tuổi đời hơn 100 năm ở Mỹ từ năm 2014, bà Barra là nữ tướng đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô nước này. Và nếu tiếp tục tại vị đến tháng 8 năm nay, bà sẽ là người nắm giữ vị trí giám đốc điều hành lâu nhất tại GM kể từ khi huyền thoại Alfred Sloan thôi chức vụ này vào năm 1946.

Ngay sau khi trở thành nữ tướng của một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, bà Barra đã chứng minh được vai trò lãnh đạo của mình. Bà liên tục có mặt trong danh sách "100 người có ảnh hưởng nhất thế giới" do tạp chí Time bình chọn. Bà cũng đứng đầu danh sách "Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2015" do tạp chí Fortune công bố.

Chân dung nữ tướng thề sẽ giành lại ngôi vị từ tay Tesla - 1

Bà Mary Barra tiếp quản chức Chủ tịch kiêm CEO của GM từ năm 2014, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một hãng sản xuất ô tô tại Mỹ (Ảnh: Thewomenleaders).

Việc bổ nhiệm một người phụ nữ lên vị trí cao nhất tại một hãng sản xuất ô tô từng lớn nhất nước Mỹ khiến không ít người kinh ngạc. Nhưng những ai biết rõ về bà lại không bất ngờ.

Mary Barra tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật điện, Đại học Kettering vào năm 1985. Nhưng trước đó, kể từ năm 1980, khi còn ở độ tuổi 18, bà đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Viện General Motors (sau này là Đại học Kettering) với tư cách là kỹ sư thực tập tại bộ phận động cơ Pontiac, nơi cha bà đã làm việc trong gần 40 năm.

Tại đây, bà đã chứng minh được thực lực của mình trong một lĩnh vực tưởng chỉ dành cho nam giới và được GM đài thọ học phí để học tiếp, lấy bằng thạc sĩ kinh doanh (MBA) tại Đại học Stanford. Ở GM, bà đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ nhân viên lên quản đốc phân xưởng, giám đốc kỹ thuật, phó chủ tịch phụ trách nhân sự… Trước khi trở thành người đứng đầu của GM, Barra là phó chủ tịch điều hành của GM, phụ trách chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm và mua hàng kể từ tháng 8/2013 và đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch cấp cao phụ trách về phát triển sản phẩm kể từ tháng 2/2011.

"Giờ đây, với tư cách là Chủ tịch kiêm CEO của GM, tôi có cơ hội độc nhất và trách nhiệm để áp dụng tư duy kỹ thuật vào việc biến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn trên quy mô lớn", bà Barra phát biểu trên LinkedIn khi nhận trọng trách trở thành người dẫn dắt GM.

Phong cách lãnh đạo cân bằng giữa công việc và gia đình

Barra có tình yêu mãnh liệt với xe hơi. Vì vậy, trên bàn làm việc của bà luôn có những mô hình ô tô. Dưới sự lãnh đạo của bà, GM đã tập trung vào cải tiến và đổi mới sản phẩm, tăng cường đa dạng hóa và khách hàng, đẩy mạnh phát triển xe điện và xe tự lái, nâng cao chất lượng và hiệu suất hoạt động. Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết liệt đổi mới của bà Barra, GM đang cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ để mang đến người tiêu dùng dòng xe điện chất lượng, giá phải chăng.

Trong những năm đầu tiên tiếp quản GM, bà đã dẫn dắt GM bằng việc chú trọng đến vấn đề an toàn của sản phẩm. Hai năm sau khi bà nhậm chức, GM đã lâm vào khủng hoảng khi bị phạt gần 1 tỷ USD vì chậm thu hồi các mẫu xe dính lỗi công tắc đánh lửa khiến 124 người chết. Khi đó, bà chọn cách đối phó trực diện với khủng hoảng, công khai xin lỗi khách hàng, bồi thường cho các gia đình nạn nhân đồng thời biến cuộc khủng hoảng này thành chất xúc tác để thay đổi.

"Tôi không bao giờ lùi bước trước cái sai. Tôi muốn đưa kinh nghiệm đau xót này vĩnh viễn nằm trong ký ức của chúng ta. Những sai sót dẫn đến việc thu hồi bộ phận đánh lửa này sẽ không bao giờ được phép xảy ra lần nữa", bà nói trong cuộc họp báo tổ chức ngay sau vụ bê bối trên.

Cuộc khủng hoảng sau đó đã nhanh chóng được xử lý, GM cũng dần lấy lại uy tín trên thị trường. Dưới sự lãnh đạo của bà, GM từ một công ty suýt bị phá sản vào năm 2009 đã vực dậy giành lại vị trí hàng đầu về doanh số bán ô tô tại Mỹ trong năm 2022. Hãng cũng đã có tăng trưởng về doanh số trên toàn cầu, đặc biệt ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong thời gian nữ CEO này quản lý, GM đã có tăng trưởng lợi nhuận và trở thành một trong những công ty ô tô có lợi nhuận cao nhất trong ngành.

Chân dung nữ tướng thề sẽ giành lại ngôi vị từ tay Tesla - 2

Dưới sự dẫn dắt của bà Barra, GM đã có tăng trưởng lợi nhuận và trở thành một trong những công ty ô tô có lợi nhuận cao nhất trong ngành (Ảnh: WSJ).

Để có được thành quả đó, ngoài nỗ lực giảm chi phí, tăng cường hiệu quả sản xuất, bà Barra còn đề cao đến việc cải thiện văn hóa doanh nghiệp.

Tại GM, bà Barra luôn trao quyền đổi mới, sáng tạo cho các phòng ban cấp dưới. Trong một bài trả lời phỏng vấn CNN, bà từng cho biết: "Để điều hành một doanh nghiệp thành công, bạn sẽ cần rất nhiều điều: Đúng người, đúng văn hóa và chiến lược đúng đắn. Để thành công, đội ngũ của bạn phải có sự đa dạng về ý tưởng và phải luôn sẵn sàng cộng tác với nhau một cách tích cực".

Vì vậy, bà luôn khuyến khích cấp dưới mở rộng tư duy và học hỏi những kiến thức mới. Theo bà, đó là cách giúp GM tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Để phá bỏ những rào cản giữa nhân viên và cấp trên, GM cho phép nhân viên gửi các vấn đề liên quan đến an toàn, có thể ẩn danh hoặc không, thông qua email, ứng dụng hoặc điện thoại. Sau đó, đội điều tra của công ty sẽ xác định, xử lý từ những báo cáo đó.

Là lãnh đạo của một công ty với 181.000 nhân viên, bà Barra cho rằng cần có một thông điệp rõ ràng đơn giản để ai cũng có thể hiểu rõ. Do đó, ai cũng nằm lòng thông điệp "không có tai nạn, không phát thải". Đây cũng là một trong những tầm nhìn của nhà sản xuất ô tô này.

Nữ tướng của GM cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo không nên xấu hổ khi thiếu kiến thức về một số thứ. Theo bà, biết lắng nghe và học hỏi là những yếu tố để trở thành nhà lãnh đạo giỏi.

Mặc dù nắm quyền điều hành một trong những công ty ô tô hàng đầu thế giới, song ở nhà bà Barra vẫn được coi là người mẹ và người vợ tuyệt vời. Chia sẻ với Business Insider vào năm 2015, bà cho biết dù công việc bận rộn, bà vẫn sắp xếp thời gian để đi xem trận thi đấu của con gái. Bà thường kết thúc các cuộc họp quan trọng đúng lịch để dành thời gian cho gia đình. Nữ CEO này từng nhấn mạnh rằng cần phải tôn trọng những ưu tiên trong cuộc sống của mình. Bà cho rằng để có cuộc sống viên mãn, mỗi người cần làm mọi thứ một cách linh hoạt.

Nhờ phong cách lãnh đạo độc lập, đáng tin cậy, bà được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những CEO hiệu quả nhất đang hoạt động tại Mỹ trong thế kỷ 21. Bà cũng nắm giữ danh hiệu CEO xe hơi được trả lương cao nhất thế giới. Năm 2016, bà được nhận mức lương kỷ lục 22,6 triệu USD, cao hơn nhiều so với những CEO khác.

Thề lấy lại "ngôi vương" cho GM

GM nổi tiếng nhờ những thương hiệu mang tính biểu tượng như Cadillac, Chevrolet, Hummer,… nhưng giờ đây xe điện lại được coi là hướng đi giúp GM giành lại vị thế dẫn đầu của mình.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của Bloomberg, bà Barra đã tuyên bố thề sẽ đưa GM vượt qua các đối thủ truyền thống trong năm nay và dần thu hẹp khoảng cách với Tesla trong cuộc đua sản xuất xe điện.

Chân dung nữ tướng thề sẽ giành lại ngôi vị từ tay Tesla - 3

Bà Barra thề sẽ đưa GM vượt qua các đối thủ truyền thống trong năm nay và dần thu hẹp khoảng cách với Tesla (Ảnh: GM).

GM đã tính toán cho điều này từ lâu. Hãng đã tính đến việc đưa 30 xe điện sử dụng pin Ultium ra thị trường từ cách đây 4 năm, nhưng mãi gần đây, hãng mới bắt đầu sản xuất pin. Loại pin này sẽ cho phép GM tung ra 7 mẫu xe điện mới trong năm nay, bao gồm mẫu xe SUV Cadillac Lyriq, bán tải Chevrolet Silverado và SUV Blazer. Bà Barra dự đoán, GM sẽ vượt qua các đối thủ truyền thống như Ford Motor về doanh số xe điện và bắt đầu giành lại vị thế dẫn đầu mà Tesla đã giành được trong thập kỷ qua.

"Đây là năm đột phá của chúng tôi", bà Barra khẳng định và lý giải sở dĩ GM coi đây là năm đột phá vì họ đã có sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trước đó, "nữ tướng" GM đã chia sẻ chi tiết về kế hoạch phát triển 30 mẫu xe điện mới vào năm 2025. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn của GM 27 tỷ USD và có khả năng đưa hãng xe này vượt qua Tesla trong cuộc đua xe điện dành cho thị trường đại chúng.

"Đây là cách chúng ta sẽ giành chiến thắng. Chúng tôi đang hướng tới một chiến lược tăng trưởng và một tương lai không phát thải từ thế mạnh của mình", bà Barra nói và cho biết GM muốn trở thành một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu bằng cách đưa xe điện đến cho tất cả mọi người.

Sự quyết tâm của bà đối với lĩnh vực xe điện đã được chứng minh bằng tăng trưởng doanh số của GM trong năm ngoái và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm tới. Năm ngoái, GM đã giành lại vị thế dẫn đầu tại thị trường Mỹ từ Toyota với gần 2,3 triệu xe bán ra. Riêng về xe điện, hãng này cũng bán được gần 40.000 xe điện, xếp thứ 3 sau Tesla và Ford. Theo dự báo của ngân hàng Bank of America, đến năm 2025, GM sẽ sản xuất được 1 triệu xe điện và vượt qua doanh số của Tesla.

Hiện mọi điều kiện đang thuận lợi với GM. Nguồn cung cấp chất bán dẫn đã được cải thiện giúp GM có thể thúc đẩy doanh số bán hàng ở cả mảng xe thông thường và xe điện. Nhà máy pin ở Ohio, do Ultium Cells LLC vận hành, cũng đang tăng sản lượng lên 20% mỗi quý, cung cấp đủ nhu cầu cho các nhà máy lắp ráp xe điện. Vì vậy, GM đặt mục tiêu tăng doanh thu xe điện lên 50 tỷ USD vào năm 2025 và có lãi.

Tuy nhiên, ông Kevin Riddell - nhà phân tích của LMC cho rằng mặc dù các nhà sản xuất lắp ráp ô tô truyền thống đã đạt được những tiến bộ mạnh mẽ, nhưng vẫn còn lâu mới đuổi kịp được doanh số của Tesla.

Dẫu vậy, bà Barra vẫn tự tin cho rằng, mức thu nhập cao của GM năm ngoái, dự kiến sẽ đạt được mức tương tự trong năm nay, sẽ là yếu tố chính cho phép hãng xe chi hàng tỷ USD vào hoạt động kinh doanh xe điện. Nữ CEO tự tin khẳng định, GM sẽ đạt các mục tiêu tài chính trong năm nay, bao gồm thu nhập trước lãi vay và thuế lên đến 12,5 tỷ USD.

"Mục tiêu của chúng tôi là biến GM trở thành công ty có giá trị lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô", bà khẳng định với Fortune.

Nội dung: Nhật Linh (tổng hợp)