1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới hiến kế nâng tầm lúa, tôm

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Giải pháp mở rộng mô hình, nâng cao giá trị vùng lúa là các tỉnh nâng cao cơ sở hạ tầng, dùng máy bay không người lái để phun vôi, thuốc diệt sâu nấm khi cần thiết...

Tham luận tại hội thảo "Lúa thơm - tôm sạch vùng Mê Kông" diễn ra chiều 10/2 tại Bạc Liêu, GS.TS Dương Nhựt Long (Đại học Cần Thơ) khái quát, diện tích lúa tôm vùng Mê Kông hơn 211.900 ha, sản lượng đạt trên 84.700 tấn. Các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… đã triển khai mô hình này có hiệu quả, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người dân.

Bình quân của các tỉnh đạt trên 90 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đến 252%, trong đó thu nhập từ lúa là 23,1% và từ thủy sản 76,9%. Như ở Kiên Giang giai đoạn 2019-2021, tổng chi cho mô hình canh tác lúa, tôm là 40 triệu đồng/ha, tổng thu đến 171 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 131 triệu đồng/ha.

Cha đẻ gạo ngon nhất thế giới hiến kế nâng tầm lúa, tôm  - 1

Mô hình lúa, tôm mang lại lợi nhuận cao cho người dân (Ảnh: CTV).

Chia sẻ riêng về lúa, anh Phạm Chí Mến (ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) có 5 năm làm lúa tôm. Anh Mến nói, lúc trước làm lúa thường quá vất vả. Sau đó được sự hỗ trợ của ông Hồ Quang Cua về nhân rộng làm giống lúa ST24 và ST25, hiệu quả cao. "Tôi thấy rất phấn khởi. Lúa năng suất bình quân một ha khoảng 70 triệu đồng/10 công (mỗi công khoảng 1.000 m2, còn tôm năng suất bình quân 100 triệu đồng/10 công", anh Mến nói.

Ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nuôi tôm hiện nay rất khó, nhưng khó vẫn nuôi vì bây giờ khoa học công nghệ tiến bộ sẽ hỗ trợ nuôi tôm rất lớn. "Nuôi heo, bò, gà ở trên bờ dễ thấy, còn tôm ở dưới nước không thấy thì có thể đặt camera để quan sát tình trạng tôm thế nào, từ đó có cách xử lý phù hợp. Không có nuôi gì mà chỉ sau 3, 4 tháng có thể lãi đến 100%", ông Trung chia sẻ.

Do đó, nguyên Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng, phải có mô hình để người nông dân thấy thì làm theo và phải có tổ chức, không để bà con tự bơi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong việc xây dựng thương hiệu, chính quyền phải "nắm tay" doanh nghiệp với người dân.

Cha đẻ gạo ngon nhất thế giới hiến kế nâng tầm lúa, tôm  - 2

Ông Hồ Quang Cua đề xuất lấy ngày 6/11 làm Ngày lúa, tôm Việt Nam (Ảnh: CL).

Ông Hồ Quang Cua (cha đẻ gạo ST24, ST25, ngon nhất thế giới) nêu giải pháp mở rộng mô hình, nâng cao giá trị lúa vùng lúa, tôm đó là địa phương nâng cao cơ sở hạ tầng; sử dụng máy bay không người lái để phun vôi, thuốc diệt sâu, nấm khi cần thiết; quản lý giống lúa theo Luật trồng trọt và quy chuẩn Việt Nam để tránh giảm phẩm chất gạo.

"Đề nghị Bộ Nông nghiệp cho thành lập Ban điều phối sản xuất lúa tôm của từng tỉnh; đề nghị chọn ngày 6/11 là ngày lúa tôm Việt Nam để hàng năm có cơ hội nhìn lại công việc tiến triển tới đâu, quá trình hoạt động, đóng góp của lĩnh vực này", ông Cua nêu ý kiến.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh xây dựng mô hình lúa thơm - tôm sạch phải hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và tích hợp đa giá trị.

Theo ông Hoan, mô hình lúa, tôm không lạ nhưng cứ phập phồng thời gian qua. "Còn một khoảng trống mênh mông giữa tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân. Người nông dân nghĩ gì và nhận thức gì về mô hình mới là điều quan trọng nhất.

Nông dân là chủ thể, vai trò trung tâm nhưng rủi ro nhiều nhất. Họ lủi thủi ngoài đồng và đại bộ phận nông dân xa lạ với những ý tưởng của chúng ta. Nếu đã xa lạ thì họ vẫn sản xuất lúa, tôm theo truyền thống, hoặc làm tốt rồi nhưng không có thị trường", Bộ trưởng Hoan nhận định.

Cha đẻ gạo ngon nhất thế giới hiến kế nâng tầm lúa, tôm  - 3

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thang đo mô hình sản xuất lúa, tôm đó là mang lại lợi nhuận, nông dân "sống khỏe" (Ảnh: CL).

Do đó, ông Hoan đề nghị các địa phương, doanh nghiệp có thể làm mô hình không gian cộng đồng. Tại đây, các doanh nghiệp, chuyên gia đến, ngồi giao lưu với nông dân, phải nói bằng ngôn ngữ của người nông dân, bằng suy nghĩ, tâm thức của người nông dân. Bởi chính người nông dân đầu tiên hình thành chuỗi ngành hàng đó là sản xuất. Do đó, những kết tinh về mô hình phải đi vào cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bền vững dựa trên 3 yếu tố, đó là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, đảm bảo môi trường.

"Xây dựng thương hiệu trực tiếp bằng hình ảnh của người tạo ra nông sản đó, hạt gạo có thể giống nhau nhưng không thể có 2 ông Cua. Đề nghị có nhiều hình ảnh người nông dân trên sản phẩm lúa, tôm đó. Nếu chúng ta định vị lúa thơm, tôm sạch hướng đến giá trị bền vững thì cấu trúc của ngành nông nghiệp cũng phải khác. Thang đo của mô hình này đó là thu nhập của người nông dân, để làm sao nông dân "sống khỏe", Bộ trưởng Hoan chốt lại.