Cha đẻ bộ gõ tiếng Việt Unikey và chuyện làm AI tại 2 kỳ lân tỷ USD
(Dân trí) - Khai sinh ra bộ gõ được cài đặt trên hầu hết máy tính chạy Windows của người Việt hơn 20 năm trước, ông Phạm Kim Long hiện phát triển AI cho kỳ lân công nghệ mới nhất của Việt Nam.
Trong buổi chia sẻ mới đây về tầm nhìn của siêu ứng dụng Momo liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có một nhân vật đặc biệt xuất hiện. Đó là Phạm Kim Long, cha đẻ của Unikey, bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất tại Việt Nam với hàng chục triệu người dùng máy tính Windows.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996, ông Long dành 10 năm sau đó học tập, nghiên cứu, làm việc tại Cộng hòa Séc. Năm 1999, phiên bản chính thức đầu tiên của Unikey ra đời. Sau hơn 20 năm, Unikey có mặt trên hầu hết máy tính chạy Windows của người Việt.
Từ năm 2006, ông Long cho phép Apple sử dụng mã nguồn của Unikey trong các sản phẩm của Táo khuyết. Hiện nay, các thiết bị iPhone, iPad, Macbook đều sử dụng lõi Unikey cho bộ gõ tiếng Việt có sẵn trên máy.
Từ khi về nước vào năm 2008, ông Long lần lượt làm việc tại IBM Việt Nam, FPT Telecom và VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên được định giá tỷ USD tại Việt Nam trước khi chuyển sang đầu quân cho một công ty kỳ lân khác là Momo từ giữa năm 2021.
Tại VNG, ông Long từng phụ trách nhiều sản phẩm quan trọng như Laban Key, bộ gõ tiếng Việt phổ biến với người dùng smartphone tại Việt Nam và sau đó làm Giám đốc Zalo AI, đơn vị phát triển sản phẩm trợ lý ảo ứng dụng AI.
"Sau 8 năm gắn bó với VNG nói riêng và Zalo nói chung, tôi cũng muốn có những thách thức mới. Fintech (công nghệ tài chính - PV) là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với tôi nên tôi cảm thấy rất hấp dẫn. Zalo cũng đầu tư cho AI rất lớn nhưng các dự án có phần bay bổng hơn còn ở Momo lại gắn với đời sống hàng ngày", ông Long chia sẻ với Dân trí về quyết định chuyển hướng của mình.
Tại công ty mới, hiện tại ông Long giữ vị trí Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển AI, phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.
Ông Long cho biết đang giải quyết bài toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên với AI, xây dựng chatbot chăm sóc khách hàng áp dụng công nghệ học sâu (deep learning). Không chỉ xây dựng chatbot cho siêu ứng dụng, công ty còn đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng chatbot để các đối tác có thể tự tạo ra chatbot của riêng họ trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, ông cũng đang làm việc để giúp công ty tự phát triển công nghệ nhận diện, định danh khách hàng (eKYC) qua khuôn mặt, hình ảnh giấy tờ thông tin cá nhân.
Hiện tại, ông Long còn là một trong 7 thành viên hội đồng AI của Momo cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của siêu ứng dụng vừa được định giá 2 tỷ USD này.