1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

CEO Viejet vẫn quyết tâm có lãi giữa lúc ngành hàng không chật vật

Việt Đức

(Dân trí) - Hết quý I, Vietjet Air có doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 123 tỷ đồng. Hãng bay có lãi nhờ doanh thu tài chính 1.400 tỷ còn thực tế hoạt động kinh doanh chính vẫn lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết hãng bay vẫn quyết tâm có lợi nhuận trong năm nay. 

Thông tin này được bà Thảo nêu ra tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên của Vietjet tổ chức sáng nay (29/6). Bà Thảo dự báo ngành hàng không Việt Nam có thể khởi sắc trở lại vào cuối mùa hè năm nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dựa trên tình hình tích cực của các hoạt động du lịch, hàng không ở Mỹ, châu Âu sau khi đa số người dân được tiêm ngừa vắc xin Covid-19, CEO hãng bay này tự tin thị trường Việt Nam cũng sẽ hồi phục tích cực khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin tăng lên. 

Quyết tâm có lợi nhuận

"Trước thời điểm dịch bùng phát trở lại, nhu cầu đi lại của hành khách rất lớn, một số đường bay nội địa tăng trưởng cao hơn cả năm 2019 - trước dịch Covid-19. Thời điểm hoạt động hàng không trở lại sẽ rất gần và chúng ta đã sẵn sàng", CEO Vietjet chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Thảo thừa nhận việc mất mùa cao điểm du lịch hè năm nay ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Vietjet nói riêng và các hãng hành không Việt Nam. Dù vậy, nữ tỷ phú khẳng định hãng hàng không của mình vẫn quyết tâm có lãi trong năm nay.

Theo kế hoạch đại hội cổ đông thông qua, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Số liệu cập nhật nhất cho thấy sau quý I, doanh nghiệp báo cáo doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của hãng lại đến từ khoản doanh thu tài chính gần 1.400 tỷ đồng. Còn hoạt động kinh doanh chính lại lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về hoạt động tài chính cụ thể nào đem lại nguồn thu lớn, bà Thảo không chia sẻ chi tiết nhưng nhấn mạnh hãng luôn cố gắng sử dụng tốt nhất đồng vốn của cổ đông.

"Công ty luôn tìm các phương án đầu tư tài chính đảm bảo khả năng sinh lời tốt hơn so với việc giữ tiền mặt, đảm bảo tính thanh khoản tốt, độ an toàn, mang lại hiệu quả tài chính", CEO Vietjet chia sẻ với cổ đông. 

CEO Viejet vẫn quyết tâm có lãi giữa lúc ngành hàng không chật vật - 1

Vietjet phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sau làn sóng dịch Covid-19 lần 4 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chưa lên kế hoạch bay thẳng đến Mỹ

Một cổ đông đặt vấn đề liệu Vietjet có lên kế hoạch bay thẳng trực tiếp tới Mỹ như một số hãng hàng không trong nước đang rục rịch chuẩn bị hay không. Trước thắc mắc trên, bà Thảo cho biết hãng bay của mình chưa có dự định bay thẳng đến Mỹ. 

Thay vào đó, thông qua việc hợp tác khai thác với các hãng hàng không khác, công ty vẫn có thể phục vụ nhu cầu hành khách đi từ Mỹ, châu Âu đến Việt Nam, Đông Nam Á qua các điểm nối chuyến ở Đông Bắc Á.

"Giá trị của chúng ta mang lại cho hành khách là chi phí tốt hơn so với những chuyến bay thẳng nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng", bà Thảo nói với cổ đông.

Bà Thảo cũng khẳng định, cổ đông có thể yên tâm với triển vọng của công ty trên thị trường giữa sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước. Nữ tỷ phú cho rằng hãng hàng không của mình vẫn sở hữu lợi thế về quản lý chi phí, đội tàu bay mới đồng nhất, tiết kiệm nhiên liệu.

"Khi các hãng hàng không đều khó khăn thì cũng có những dư địa mới, cơ hội mới. Chúng ta sẵn sàng chiếm lĩnh thêm thị phần, nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi, tăng cường thêm nguồn lực tài chính, đón nhận nhà đầu tư chiến lược tham gia", bà Thảo tự tin. 

Đại hội cổ đông của Vietjet thông qua kế hoạch việc chào bán cổ phần riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Lãnh đạo hãng bay chia sẻ hiện đã có một số nhà đầu tư lớn ở Hàn Quốc, Hồng Kông quan tâm về đợt tham gia phát hành, muốn đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp. Giá phát hành sẽ căn cứ trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của cổ đông hiện hữu.

Giám đốc Điều hành Vietjet Đinh Việt Phương cho biết một ưu tiên quan trọng trong năm 2021 là tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí khai thác. Công ty luôn theo dõi giá nhiên liệu để sẵn sàng mua dự trữ, làm việc với các nhà cung cấp để có giá đầu vào tốt nhất.

Song song đó, ông kỳ vọng ngành hàng không sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ. "Toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Đó chính là sự hỗ trợ lớn nhất với hàng không", ông Phương nói.