CEO Tập đoàn Aone: “Xử lý nước thải: nguồn lợi thu được cao hơn chi phí bỏ ra cho Hà Nội”
(Dân trí) - Ngày 22/3, ngài Dirk Panter- nghị sĩ quốc hội tiểu bang Saxony, chủ tịch nhóm nghị sĩ Đảng xã hội dân chủ quốc hội tiểu bang Sachsen & ngài Kristian Kirpal- Chủ tịch phòng công nghiệp & thương mại TP Leipzip cùng một số doanh nghiệp lớn của Đức đã sang thăm và làm việc với Ủy ban thành phố Hà Nội.
Tiếp đoàn có ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo một số sở ban ngành của Hà Nội.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Aone (của Đức) đã thông tin về dự án xử lý nước thải và dự án đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy xử lý bùn thải cho Thành phố Hà Nội; đồng thời báo cáo những công việc đã thực hiện trong những tháng qua và dự thảo kế hoạch thực hiện và tiến độ dự án. Qua đó, Aone sẽ phối hợp với Tập đoàn Aquaone để xúc tiến dự án.
Trước đó, 2 bên đã ký kết bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 6/2018.
Liên quan đến xử lý nước thải đô thị/công nghiệp, ngài Alexander Redeker- CEO Tập đoàn Aone cho biết Aone mong muốn giải quyết nhiều vấn đề về nước, nước thải và bùn thải dành cho Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ giúp Hà Nội tăng hiệu quả vận hành và hiệu quả kinh tế thông qua nhiều cách tiếp cận như chuyển giao công nghệ và bí quyết trong lĩnh vực năng lượng, nước, nước thải và chất thải”, ông nói.
Đến nay, Aone đã đầu tư một số dự án như Nhà máy nước sạch Berlin, nhà máy xử lý chất thải sinh học cơ học lớn thứ hai châu Âu (ở Leipzig)... Còn tại Việt Nam, tập đoàn này đã vận hành Nhà máy xử lý nước thải Bắc Ninh, Nhà máy xử lý nước thải Sóc Trăng.
Chia sẻ thêm về sự phát triển hệ thống nước và nước thải ở châu Âu, CEO Tập đoàn Aone cho biết “Phải mất hơn 2000 năm, Châu Âu mới đạt được như ngày hôm nay, nước thải đã không còn là vấn đề, không còn là nước thải mà thực sự là nguồn tài nguyên thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại”.
Công nghệ hiện đại tối tân đó theo mong muốn của ông Alexander Redeker cũng sẽ được áp dụng cho thành phố Hà Nội, để nước thải không phải là vấn đề mà là nguồn lợi cho thủ đô, như một nguồn năng lượng để khai thác phục vụ thành phố!
“Với công nghệ tối tân, các nhà máy xử lý nước thải là các trạm thu hồi năng lượng. Mục tiêu cũng Aone là thiết kế và thi công các nhà máy xử lý nước thải cho thành phố Hà Nội sử dụng hoàn toàn công nghệ xử lý sinh học và trở thành một trạm thu hồi tài nguyên theo các tiêu chuẩn quốc gia & công nghệ tối ưu nhất trên thế giới’, CEO Tập đoàn Aone nhấn mạnh.
Ngài CEO cũng cho biết thêm “Chúng tôi rất ấn tượng khi đọc bản Quy hoạch tổng thể thành phố Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050. Cách tiếp cận chiến lược về nước thải của Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với New York”.
Phân tích sâu về dự án xử lý bùn, vị lãnh đạo Aone cũng cho biết song song với xử lý nước thải là phương án thu hồi (từ bùn thải có thể sản xuất ra than sinh học, sủ dụng trong các nhà máy nhiệt điện, xi măng…, sản xuất ra phân bón để phục vụ cho nông nghiệp…, do đó tài nguyên thu được từ xử lý nước thải có thể cao hơn chi phí bỏ ra để xử lý nước thải. Trên cơ sở bám sát bản quy hoạch, Dự án này dự kiến có công suất 3600 tấn/ngày đêm, giai đoạn 1- đến năm 2021 có công xuất xử lý 1200 tấn/ngày đêm, sử dụng dây chuyền công nghệ xử lý từ Cộng hòa LB Đức và Châu Âu, tiếp nhận và xử lý nguồn bùn thải cho Thành phố Hà Nội và các khu vực lân cận (Bùn thải nạo vét từ hệ thống cống, mương và kênh thoát nước ; phân bùn thông hút bể tự hoại ; bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải...).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết hiện Hà Nội cũng đang đầu tư một số dự án xử lý nước thải, nhưng tính đến thời điểm này mới xử lý được gần 30% lượng nước thải, 70% còn lại vẫn xử lý tại các cụm, có xử lý nhưng chưa tập trung, do đó Hà Nội rất ủng hộ chủ trương đầu tư dự án theo công nghệ, trong đó tiếp tục sử dụng tái tạo năng lượng là một giải pháp tốt, quan trọng là đảm bảo phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội xanh, sạch đẹp…
Về vị trí quy hoạch, cũng theo ông Hùng, sẽ giao các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc cùng phối hợp nghiên cứu nơi đặt nhà máy cho phù hợp, trong quá trình triển khai phía Aone cần đạt các tiêu chí đã đề ra, phải nghiên cứu kỹ bài toán đầu tư & giá thành sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Về công suất 1.200 tấn/ngày đêm giai đoạn đầu của nhà máy xử lý bùn thải, ông Hùng cũng cho rằng cần nâng công suất lên.
Vị phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng phía Aone cần tập trung các phần việc để được thông qua chủ tương đầu tư vào tháng 6/2019 (theo đề xuất của Aone).
Dựa trên QĐ 275/QĐ-TTg Quy hoạch thoát nước Thành phố Hà Nội, dự án xử lý bùn thải của Aone hướng tới mục tiêu:
Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, chấm dứt tình trạng ô nhiễm bùn thải, ô nhiễm nguồn nước ngầm;
Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến bền vững; dây chuyên kỹ thuật góp phần tái sử dụng bùn thải thành các sản phẩm bảo vệ môi trường (sản xuất điện, sản xuất phân bón, thu hồi cát…).
Cải thiện tình trạng ngập lụt và tiêu thoát nước mưa đô thị; tăng cường hiệu quả tiêu thoát nước hệ thống thoát nước trên địa bàn tp do lượng bùn thải nạo vét đã được xử lý . góp phần cải thiện cảnh quan môi trường đô thị
Góp phần vào việc xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội xanh, sạch đẹp; góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư và sự phát triển bền vững của các đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Ngọc Thu