Cây sắn xin được ưu đãi như mía, cà phê

(Dân trí) - Hiệp hội sắn kiến nghị Thủ tướng có những chính sách ưu đãi cho cây sắn như đang áp dụng cho cây lúa, cây mía, cây cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sắn.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ 2, sau Thái Lan.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện đứng thứ 2, sau Thái Lan.

Hiệp hội sắn Việt Nam vừa có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ báo cáo về thực trạng phát triển ngành sắn.

Với diện tích khoảng 550 nghìn ha, năng suất 10 triệu tấn/năm, cây sắn đang được trồng từ Bắc tới Nam, có mặt trên cả 6 vùng sinh thái trong cả nước, thu hút trên 50.000 lao động công nghiệp cho các nhà máy, cơ sở chế biến và 1,2 triệu lao động trồng sắn. Mỗi 1 ha sắn mang lại lợi nhuận khoảng 11,6 triệu đồng, thấp hơn một chút so với trồng lúa (14 triệu đồng/ha/năm).

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đứng thứ 2, sau Thái Lan. Giá trị xuất khẩu từ 2012 đến nay đạt từ 1-1,35 tỷ USD/năm, được Bộ Công Thương đưa vào nhóm 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam những năm gần đây.

Riêng năm 2016, sản lượng xuất khẩu sắn và các mặt hàng từ sắn đạt 3,9 triệu tấn, với tổng giá trị kim ngạch 1,08 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các cây trồng có kim ngạch xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo đó, Hiệp hội sắn kiến nghị Thủ tướng có những chính sách ưu đãi cho cây sắn như đang áp dụng cho cây lúa, cây mía, cây cà phê để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sắn.

Cây sắn ít kén đất, lại được trồng ở những vùng đặc biệt khó khăn, cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Do đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần có chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển nhà máy chế biến, đảm bảo sự phát triển cân đối và bền vững cho ngành sắn trước mắt và lâu dài.

Hiện nay, thuế GTGT đường kính đã giảm từ 10% xuống còn 5% nhưng tinh bột sắn vẫn áp dụng mức thuế 10%. Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh mức thuế xuống 5% với tinh bột sắn vì sản phẩm này có 80% được xuất khẩu và có đóng góp vào kim ngạch lớn của quốc gia.

Đáng lưu ý, Hiệp hội cũng kiến nghị áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu sắn củ tươi nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu của sắn tươi qua các cửa khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, hạn chế việc xuất khẩu thô, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trong nước.

Song song với đó, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi để khai thác nguồn nguyên liệu từ Lào và Campuchia về Việt Nam, đảm bảo nhu cầu chế biến trong nước.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xúc tiến chương trình làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho đăng ký xuất khẩu bã sắn của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, như Lào và Campuchia đã xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc.

Phương Dung