1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cậy mang tiền sang đầu tư, một số ông chủ Trung Quốc sỉ nhục người Kenya thậm tệ

(Dân trí) - Nhiều người dân Kenya lên tiếng về việc một số chủ đầu tư Trung Quốc mang những khoản đầu tư sang nước này nhưng kèm theo cả tính phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với chính người dân bản địa tại đây.

Richard Ochieng, 26 tuổi, bị ông chủ người Trung Quốc liên tục gọi là khỉ. (Nguồn: Andrew Renneisen for The New York Times)
Richard Ochieng, 26 tuổi, bị ông chủ người Trung Quốc liên tục gọi là khỉ. (Nguồn: Andrew Renneisen for The New York Times)

Từ năm ngoái, Richard Ochieng, 26 tuổi, đã bị người Trung Quốc phân biệt đối xử khi anh đến Ruiru, một khu định cư ở rìa thủ đô Nairobi, nơi anh tìm được việc làm tại một công ty xe máy Trung Quốc vừa mới mở tại đây.

Nhưng ông chủ mới của Ochieng, Liu Jiaqi, một người đàn ông Trung Quốc bằng tuổi anh, bắt đầu gọi anh là một con khỉ.

Chuyện xảy đến khi cả hai đang đi bán hàng và nhìn thấy một vài con khỉ đầu chó bên lề đường, Ochieng nhớ lại.

“Anh em của cậu kìa”, Liu kêu lên và thúc giục Ochieng chia vài quả chuối cho những con khỉ đó.

Và chuyện này đã xảy ra một lần nữa khi Liu nói rằng tất cả người Kenya đều là khỉ.

“Bởi vì anh là người Kenya. Tất cả người Kenya, thậm chí cả Tổng thống cũng đều giống như một con khỉ”, Liu nói.

Ochieng đáp lại rằng: “Người Kenya có thể đã từng bị áp bức, nhưng chúng tôi đã tự do từ năm 1963”.

“Cũng giống như khỉ thôi. Khỉ cũng tự do mà”, Liu trả lời.

Liên tục bị xúc phạm, Ochieng đã cố quay clip một trong những đoạn hội thoại của ông chủ và anh ta, trong đó ông chủ của Ochieng có tuyên bố rằng người Kenya “giống như người khỉ”.

Liu Jiaqi nói tất cả người Kenya, bao gồm cả Tổng thống đều là khỉ. (Nguồn: The Standard)
Liu Jiaqi nói tất cả người Kenya, bao gồm cả Tổng thống đều là khỉ. (Nguồn: The Standard)

Ngày sau khi video lan truyền với tốc độ chóng mặt, Liu đã bị trục xuất. Đó là một minh chứng đặc biệt rõ rệt về cuộc đụng độ giữa người Kenya và người Trung Quốc tại thủ đô của Kenya.

“Video đó có sức ảnh hưởng rất lớn”, Victor Qi, chủ một nhà hàng mì Trung Quốc ở Nairobi, nói và cho biết thêm rằng các khách hàng da đen cũng rất ít đến cửa hàng sau khi video này phát tán.

Sau khi video được tung lên mạng trực tuyến, một nhân viên của công ty xe máy Trung Quốc cho rằng chỉ là ông Liu gặp đen đủi thôi. Trong khi một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc nói: “Cuộc nói chuyện cá nhân và cảm giác cá nhân của người đàn ông trẻ này không đại diện cho quan điểm của đại đa số Người Trung Quốc”.

Các cáo buộc phân biệt đối xử thậm chí còn xuất hiện tại một dự án lớn do Nhà nước tài trợ: một tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng dài 300 dặm nối Nairobi và Mombasa. Tuyến đường sắt này đã trở thành biểu tượng hợp tác quốc gia của Trung Quốc-Kenya, mặc dù những đánh giá tích cực có lúc bị lu mờ bởi mối quan tâm về mức giá 4 tỷ USD đó.

Cụ thể, hồi tháng 7 vừa qua, tờ The Standard, một tờ báo của Kenya, đã đưa tin về một bầu không khí có tính phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với các công nhân đường sắt Kenya dưới sự quản lý của Trung Quốc. Theo đó, một số nhân công Kenya đã bị trừng phạt, trong khi các kỹ sư Kenya không được phép lái xe lửa, trừ khi các nhà báo có mặt ở đó để quay phim, chụp ảnh.

“Với bộ đồng phục trên người, nhìn cậu sẽ không giống khỉ nữa”, Fred Ndubi, 24 tuổi, nhớ lại lời những người giám sát Trung Quốc nói. Hai công nhân khác cũng chia sẻ điều tương tự.

“Chúng tôi chỉ đứng đó và hỏi anh ta rằng tại sao lại có thể gọi chúng tôi là khỉ?”, Ndubi nhớ lại.

Nhân viên người Trung Quốc giúp hành khách tại nhà ga Đường sắt Tiêu chuẩn Gauge ở thủ đô Nairobi. (Nguồn: Adriane Ohanesian for The New York Times)
Nhân viên người Trung Quốc giúp hành khách tại nhà ga Đường sắt Tiêu chuẩn Gauge ở thủ đô Nairobi. (Nguồn: Adriane Ohanesian for The New York Times)

Khi Kenya bị bao trùm bởi sự hiện diện ngày càng bành trướng của Trung Quốc, nhiều người Kenya tự hỏi liệu quốc gia này có vô tình hoan nghênh dòng người nước ngoài ồ ạt đang định hình tương lai của đất nước, đồng thời cũng mang thái độ phân biệt chủng tộc với dân bản địa nước này.

Trước đây, Kenya có thể từng là một thuộc địa của Anh, nhưng nó đã là một quốc gia độc lập kể từ năm 1963, với niềm tự hào rằng Kenya là một trong những nền dân chủ ổn định nhất trong khu vực.

Ngày nay, nhiều người Kenya trẻ tuổi nói rằng phân biệt chủng tộc là một hiện tượng mà họ chủ yếu chỉ được biết qua các bài học lịch sử và tin tức nước ngoài. Nhưng những hành vi phân biệt đối xử bởi lực lượng lao động Trung Quốc ngày càng tăng đã khiến nhiều người Kenya lo lắng. Đặc biệt, đây đang là thời điểm Chính phủ Kenya tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

“Họ là những người có tiền, nhưng khi chúng tôi muốn vốn của họ, chúng tôi cũng muốn họ đối xử với chúng tôi như những con người ở đất nước của chúng tôi”, David Kinyua, 30 tuổi, quản lý một khu công nghiệp ở Ruiru, nơi có nhiều công ty Trung Quốc nói.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho vay vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô rộng khắp châu Phi. Để trả tiền cho các dự án như vậy, nhiều quốc gia châu Phi đã vay mượn từ Trung Quốc hoặc dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dự trữ dầu mỏ. Và khi tính toán lại chi phí, các quốc gia châu Phi thường phải chịu các khoản nợ tăng cao, hoặc đôi khi là người lao động bị một số công ty Trung Quốc bóc lột.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Cậy mang tiền sang đầu tư, một số ông chủ Trung Quốc sỉ nhục người Kenya thậm tệ - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm