“Cầu” nội đẩy Vn-Index tăng vũ bão

(Dân trí) - Khối lượng giao dịch phiên này tiếp tục tăng mạnh và nguồn lực chính đẩy Vn-Index tăng tới hơn 10 điểm trong phiên giao dịch sáng nay 18/3 chính là dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước.

“Cầu” nội đẩy Vn-Index tăng vũ bão - 1
Đã lâu lắm rồi nhà đầu tư mới thấy Vn-Index tăng tới 2 con số (ảnh: Hữu Nghị).
 
Nối tiếp đà tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch trước đó, phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục có diễn biến sôi động khi cổ phiếu đồng loạt tăng giá trần ngay từ đầu phiên.

Kết thúc phiên, Vn-Index có mức tăng ấn tượng nhất từ đầu năm 2009 tới nay khi tăng tới 10,19 điểm (tương đương tăng 3,97%) lên 273,39 điểm.

Tình trạng ào ào đặt lệnh giá trần để mua cổ phiếu diễn biến trong suốt phiên đã khớp hầu hết lệnh bán đẩy giao dịch toàn thị trường lên cao với 28,921 triệu đơn vị giao dịch trị giá 523,103 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, trong tổng số 179 mã niêm yết trên HoSE, có 153 mã tăng giá với 86 mã tăng trần, 14 mã giảm giá nhưng không mã nào giảm sàn và 12 mã đứng giá.

Hầu hết các mã có vốn hoá lớn như DPM, FPT, HAG, PPC, ITA, PVF, SSI, STB, VIC, VNM, VPL đều tăng trần và không có dư bán. Trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về FPT của Tập đoàn FPT tăng trần 2.200 đồng lên 47.800 đồng/CP.

Các mã giảm giá trong phiên giao dịch sáng nay có sự góp mặt của các mã như BHS, DTT, FBT, HAS, KSH, SAV, TCM… Trong đó HAS là mã giảm giá mạnh nhất khi mất tới 1.400 đồng xuống còn 11.900 đồng/CP.

Về giao dịch, phiên này các cổ phiếu vốn hoá lớn đều có mức giao dịch rất lớn, dẫn đầu là STB với 3,52 triệu cổ phiếu, SAM có giao dịch bất ngờ tăng vọt với 1,56 triệu; tiếp theo là các mã DPM, FPT, PVT có giao dịch gần 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra trong phiên giao dịch sáng nay, hai chứng chỉ quỹ VF1 và VF4 cũng có khối lượng giao dịch rất lớn, tương ứng là 2,77 triệu và 1,1 triệu đơn vị.

Có thể nhận thấy, nguồn lực chính đẩy Vn-Index đi lên chính là dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước. Bởi nhà đầu tư nước ngoài suốt thời gian qua vẫn duy trì động thái bán ròng. Từ đầu tháng 3 tới nay, khối này chỉ có một phiên mua ròng vào ngày 4/3.

Khối lượng giao dịch liên tục được đẩy lên cao trong 3 phiên vừa qua cho thấy nhà đầu tư trong nước sẵn sàng đón nhận nguồn hàng “xả” của khối ngoại.

Sàn Hà Nội tiếp tục có một phiên giao dịch bùng nổ với 15,544 triệu cổ phiếu giao dịch, tăng gần 5% với mức điểm 4,57, lên 98,14 điểm. Như vậy, Hastc-Index chỉ cách mốc 100 điểm một khoảng cách rất ngắn.

Có rất nhiều cổ phiếu tăng trần và có dư mua khối lượng lớn vào cuối phiên. Trong đó có 3 cổ phiếu giao dịch trên 2 triệu đơn vị là ACB, BTS và BCC.

Từ trước tới nay, khi thị trường tăng mạnh cầu của cổ phiếu ACB luôn dẫn đầu thị trường, tuy nhiên phiên giao dịch hôm nay, ACB đã “nhường ngôi” lại cho cổ phiếu BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn với mức giao dịch 2,69 triệu, trong đó riêng khối ngoại đã bán gần 2 triệu cổ phiếu.

Cùng với BCC, cổ phiếu BTS của CTCP Xi măng Bút Sơn cũng giao dịch gần 2,2 triệu cổ phiếu, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ra đúng 2 triệu đơn vị, dư mua cuối phiên của cổ phiếu này là gần 330.000 đơn vị giá trần 9.300 đồng/CP.

Trong số các mã tăng kịch trần, hai cổ phiếu của CTCK là BVS và KLS vẫn còn dư mua hơn 1 triệu đơn vị vào cuối phiên, trong khi khớp lệnh chỉ trên dưới 300.000 đơn vị.

Các cổ phiếu Sông Đà tiếp tục kịch bản cũ khi dắt tay nhau tăng trần và có dư mua trống trơn từ cuối phiên, bắt nguồn từ S12 đến SDD, ngoại trừ SCC giao dịch tại mức giá tham chiếu, gần 20 mã Sông Đà hầu hết đều tăng trần.

Các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn là VSP (tăng 2.800 đồng), NTP, SCJ, VNR (tăng 2.200 đồng) và KBC (tăng 2.100 đồng).

Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là SRA, PSC, SEB, L62.

Thanh Tú - Phương Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm