Giấc mơ Trung Hoa trong thách thức - Bài 1:

Câu hỏi sau những dự án khổng lồ của Trung Quốc

Các dự án “cơ sở hạ tầng” khổng lồ, xuyên biên giới, băng qua các châu lục, nối kết các nền kinh tế, văn hóa, tiểu vùng địa lý với nhau đang là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh dưới thời thế hệ lãnh đạo thứ 5.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hiểu theo nghĩa phần cứng, đó là bến cảng, đường cao tốc, thủy điện, đường ray, sân bay, đường dẫn cáp quang, băng truyền internet, v.v… Hiểu theo nghĩa mềm, nó là các thể chế nền tảng hỗ trợ cho hoạt động thương mại, tiền tệ-tài chính, các ngân hàng phát triển với các khoản đầu tư tại khu vực, v.v… 

 

Nhiệm vụ của các loại cơ sở hạ tầng này không chỉ mang về lợi nhuận mà còn tạo điểm kết nối giữa Trung Quốc như một trung tâm với các vùng và quốc gia láng giềng “ngoại vi”. Tác động của những dự án này rất lớn. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức nếu muốn thiết lập thành công. Vì thế, hiểu và đánh giá đúng quy mô, động lực và hệ quả của “chính sách đối ngoại cơ sở hạ tầng” của Bắc Kinh là bước đi quan trọng đầu tiên để có những khuyến nghị chính sách hợp lý. 

 

Hai “con đường tơ lụa mới”

 

Vào tháng 10/2013, chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu mang tính lịch sử trước Hạ viện Indonesia. Ngay từ đầu chuyến công du của mình tại Đông Nam Á, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh một “cộng đồng Trung Quốc – ASEAN khăng khít với vận mệnh chung”. Cùng với đó là đề xuất một “quan hệ đối tác hàng hải” trong nỗ lực nhằm xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.  

 

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu của Trung Quốc là “phá vỡ sự bế tắc trong liên kết” ở châu Á. Quan điểm này được đồng hành bởi các dự án quy mô lớn, bao gồm các hải cảng dọc theo Ấn Độ Dương, các con đường cao tốc, đường ống và đường sắt. Cốt lõi của bước đi này là nỗ lực có tính toán để hình thành “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

 

Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc hướng đến kết nối một vùng không gian địa lý xuyên qua Âu-Á. Lấy Trung Quốc ở vị trí trung tâm, nó liên kết với các khu vực lân cận, bao gồm Trung Á, khu Viễn Đông của Nga, Đông Nam Á, và cuối cùng là thị trường châu Âu. 

 

Hỗ trợ tài chính cần thiết sẽ được cung cấp bởi các thể chế tài chính do Trung Quốc dẫn đầu, đáng chú ý nhất là Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Nhiệm vụ của hai thể chế này là sử dụng các công cụ tài chính để tạo nên các “quan hệ đối tác liên kết”. Trong số nhiều dự án đầy tham vọng là hệ thống đường ray cao tốc 5.000 km mà khi hoàn thành sẽ kết nối hơn 20 quốc gia châu Á.

 

Đặt “khía cạnh cơ sở hạ tầng” thành trung tâm, lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục xúc tiến các kế hoạch trên phạm vi rộng lớn. Những đề xuất ít được nhắc đến hơn đã và đang đi vào thực hiện như “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” hay “Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar”. Mùa thu năm 2013, giới truyền thông khu vực chứng kiến Chủ tịch Tập Cận Bình cùng đoàn tháp tùng tham gia vào một cuộc “mít-tinh ngoại giao” không chỉ ở khắp châu Á mà còn vươn đến châu Âu. 

 

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, tháng 10/2013. Ảnh: Xinhua
Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, tháng 10/2013. Ảnh: Xinhua

 

Điểm cao trào hiện tại của chiến dịch trên là chủ đề “liên kết” của Tập Cận Bình được đặt vào chương trình nghị sự của APEC, Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2014. Điểm nhấn của các sự kiện hướng về một hướng: thảo luận và đưa ra các cách thức tài trợ và thiết lập các hành lang vận tải xuyên khu vực mới cũng như phát triển các tuyến đường thương mại mới.

 

Không phải lần đầu tiên cơ sở hạ tầng được chú ý như một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại. Nhưng dưới thời của Tập Cận Bình, đây trở thành “trọng tâm của các trọng tâm” của Trung Quốc. Bước ngoặt trên không chỉ xuất phát từ các phát biểu chính thức và thay đổi ưu tiên trong chính sách, mà còn từ các khoản tài trợ cam kết cho mục tiêu này trong bối cảnh Trung Quốc từ một quốc gia nhập khẩu, sang một quốc gia xuất khẩu “vốn và tư bản”. 

 

Sự chuyển dịch này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Phải chăng đây nằm trong quá trình “lan tỏa ảnh hưởng” của Bắc Kinh thông qua các dự án khổng lồ hay là thực tế nhu cầu của phát triển? Câu trả lời thể hiện qua một bức tranh hỗn hợp: đọc các con số thống kê sẽ thiên về vế hai, trong khi đó, phân tích chính sách đối ngoại Trung Quốc trong lựa chọn “đại chiến lược” lại bổ sung cho quan điểm thứ nhất.   

 

Vốn cho cơ sở hạ tầng: Cung và cầu

 

Trong những năm gần đây, sự đồng thuận giữa các thiết chế tài chính và phát triển hàng đầu được hình thành và đều thừa nhận nhu cầu cho phát triển cơ sở hạ tầng. Theo tính toán của PricewaterhouseCoopers (PwC) năm 2014, các dự án liên quan đến vốn và cơ sở hạ tầng toàn cầu dự tính sẽ đạt mức 9 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025 (năm 2014 là 4 nghìn tỷ).

 

Các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc có triển vọng dẫn đầu trong việc đầu tư và hấp thụ nguồn vốn này. Tổ chức OECD trong nghiên cứu công bố 2014 ước tính khoảng trống đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu hiện nay là 70 nghìn tỷ USD đến năm 2030. Nghiên cứu của ADB năm 2009 ước tính cần đến 8.000 tỷ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Á trong vòng hơn 10 năm.

 

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàn Quốc (năm 2010) cũng thảo luận về xu hướng tương tự, nổi bật trong chương trình nghị sự phát triển G20, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng được ưu tiên hàng đầu. Từ đó, vấn đề cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm trong các nhiệm kỳ tiếp theo của các lãnh đạo G20; Úc với vai trò chủ tọa G20 vào tháng 11/2014 vừa qua đã đề xuất sáng kiến “Trung tâm cơ sở hạ tầng G20”. 

 

Ngoài các quốc gia châu Á và các nước đang phát triển, IMF mới đây cũng thừa nhận rằng nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế phát triển cũng là một động lực chủ chốt trong sự tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới. Và làm thế nào để cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng khổng lồ vẫn là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách – thách thức này đang được Trung Quốc tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau.

 

Sự chuyển dịch vai trò của Trung Quốc trong hệ thống tài chính - tiền tệ thế giới là tiền đề đầu tiên của Bắc Kinh. Nhờ thành quả của hơn 35 năm chuyển đổi, kinh tế Trung Quốc đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Theo số liệu của IMF (năm 2014), chỉ trong vòng 13 năm của thế kỷ 21, tăng trưởng cộng dồn GDP thực tế của Trung Quốc đạt mức kỉ lục 243%, trong khi đó mức tăng cộng dồn của Mỹ và EU chỉ xoay quanh ngưỡng 20%. Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng này đem lại cho Trung Quốc vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 và năm 2014, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ đứng vào hàng các quốc gia có GDP hơn 10.000 tỷ USD.

 

Sự tăng trưởng thần kỳ kết hợp với hàng loạt yếu tố khác như (i) Mô hình tăng trưởng hướng ra xuất khẩu; (ii) Duy trì đồng bản tệ giá rẻ để hỗ trợ xuất khẩu (qua đó đòi hỏi PBoC phải liên tục mua vào đồng USD dư thừa trên thị trường nhằm giữ giá đồng NDT); (iii) Thặng dư của cán cân vốn qua các chính sách thu hút vốn nước ngoài, v.v… khiến dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng gấp 20 lần trong vòng 15 năm. Trung Quốc hiện là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất nhì thế giới với quy mô trên 3.800 tỷ USD. 

 

Vào năm 2001 (năm Trung Quốc gia nhập WTO), dự trữ ngoại tệ của quốc gia này chỉ vẻn vẹn 200 triệu USD. Như vậy bình quân mỗi năm dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm hơn 200 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.843 tỷ USD - chỉ tăng thêm 23 tỷ USD - và lần đầu tiên xuất hiện tình trạng “xuất khẩu vốn ròng”. Điều này cho thấy một phần lớn trong khoản dự trữ ngoại tệ của năm 2014 và các năm trước đó đã được sử dụng cho các khoản đầu tư ra nước ngoài. 

 

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc 2000 – 2013 (tỷ USD). Nguồn: SAFE (các năm)

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc 2000 – 2013 (tỷ USD). Nguồn: SAFE (các năm)

 

Với số vốn dự trữ ngoại tệ lớn, Trung Quốc cũng tỏ ra “mạnh tay” hơn trong việc đầu tư ra nước ngoài qua hình thức FDI. Hiện các khoản đầu tư ODI của Trung Quốc xấp xỉ 760 tỷ USD. Con số này tuy chỉ bằng 1/10 so với Mỹ, nhưng tốc độ và quy mô đầu tư có sự tăng tốc nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Một điểm đáng nói là trọng điểm đầu tư của nước này. Nghiên cứu do Rand Corporation tiến hành chỉ ra các cam kết của Trung Quốc liên quan đến các khoản tài trợ và khoản vay đặc nhượng ở nước ngoài từ năm 2001 đến 2011 là 671 tỷ USD hầu như đều liên quan đến các dự án về cơ sở hạ tầng.

 

Mục đích đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp lớn Trung Quốc 2000 - 2011. Nguồn: VCES (2013)
Mục đích đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp lớn Trung Quốc 2000 - 2011. Nguồn: VCES (2013)

 

Nhìn chung, mức độ tiết kiệm cao, sự thiếu hụt các kênh đầu tư thay thế và dự trữ ngoại tệ lớn nhằm phục vụ cho các khoản đầu tư tiềm năng, đi cùng với các giới hạn về tài chính từ phía các quốc gia khác là các yếu tố giúp cho Trung Quốc lấn sân vào lĩnh vực và các đại công trình đòi hỏi nhiều tư bản. Điều này đã thể hiện trong bối cảnh ngay cả khi thế giới đang trải qua khủng hoảng tài chính – tiền tệ hồi năm 2008, các ngân hàng CDB, China Exim Bank vẫn đầu tư vốn mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, châu Á và châu Phi. Hiện giờ, với sự xuất hiện của các cơ chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng, đầu tư hạ tầng để tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các thị trường lại càng trở thành điểm nhấn trong chính sách mới của Bắc Kinh.  

 

Quy mô vốn FDI của Trung Quốc ra nước ngoài (tỷ USD). Nguồn: VCES (2013)

Quy mô vốn FDI của Trung Quốc ra nước ngoài (tỷ USD). Nguồn: VCES (2013)

 

(Còn tiếp)

 

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ – TS. Phạm Sỹ Thành

Tuần VietnamNet

* Về các tác giả:

 

TS. Trương Minh Huy Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học KHXH&NV Tp.HCM (SCIS).  

 

TS. Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”