1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sau "tiếng súng cải cách" ở Bộ Công Thương, các bộ ngành khác sẽ ứng xử ra sao?

(Dân trí) - Tỏ rõ niềm vui khi Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau quyết định này, cần có cơ chế giám sát cam kết được thực thi đúng; hy vọng đây sẽ là cú huých, là động lực cho các bộ khác làm theo.

Phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi nhanh với ông Đậu Anh Tuấn xung quanh quyết định được coi là "cải cách lịch sử" tại Bộ Công Thương khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố sẽ cắt giảm 675 ĐKKD trước khi Tổ công tác của Thủ tướng có buổi làm việc với bộ này.

Chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI.
Chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI.

Thưa ông, là một trong những chuyên gia về môi trường kinh doanh, cũng là nơi mà rất nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội gửi gắm các "bức xúc" về các ĐKKD cản trở tự do kinh doanh, với quyết định hôm 21/9 của Bộ Công Thương, ông có đánh giá gì?

- Tôi rất vui và mừng bởi sau thời gian dài, VCCI cùng rất nhiều cơ quan nghiên cứu khác, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận và báo chí lên tiếng thì Bộ Công Thương đã nổ phát súng đầu tiên.

Phải nói rõ đây là một công bố rất rõ ràng, vì vậy nó là điều mà báo chí và DN có thể giám sát quá trình thực thi, hiệu quả của tuyên bố. Bởi đây cũng mới chỉ là quyết tâm trong thời gian tới, còn để cho DN cảm nhận được ngay là chưa vì hầu hết các ĐKKD hiện đang nằm ở các Nghị định.

Sửa Nghị định thì phải có quy trình sửa cũng cần có thời gian. Nghị định là của Chính phủ nhưng các cơ quan Bộ lại là người trực tiếp soạn thảo hầu hết các Nghị định đó, vấn đề là phải làm sao không để các quyết tâm trên nằm ở kế hoạch treo.

Nhiều người hồ hởi khi Bộ Công Thương có những quyết định đúng liên tiếp từ bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo, đến nay là hơn 675 ĐKKD đặc thù? Phải chăng Bộ này đã và đang đi nhanh hơn, nỗ lực hơn trong cải cách. Theo ông, đây có phải là áp lực đối với các bộ ngành khác hay không?

- Mặc dù còn một số ĐKKD chưa được tháo gỡ, nhưng tôi nghĩ Bộ Công Thương đã thực hiện rất phù hợp với mong muốn của cộng đồng DN, dư luận. Việc làm của Bộ Công Thương sẽ đặt ra câu hỏi là sau Bộ Công Thương sẽ là bộ, ban ngành nào đứng ra tuyên bố cởi bỏ các ĐKKD nữa đây?

Các bộ sẽ ứng xử với hành động được xem là "cải cách" của Bộ Công Thương ra sao? Người dân trông chờ vào các bộ hứa, cam kết, thực hiện.

Tôi cho rằng, để có được kết quả như hiện nay các doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu, báo chí, dư luận đã vào cuộc rất quyết liệt. Sắp tới, để có những kết quả hơn nữa thì cần các hiệp hội, ngành hàng phải vào cuộc để đua ra các tiếng nói.

Nếu để các Bộ tự rà soát sẽ không đạt được hiệu quả cao, mất thời gian và lâu thêm. Cho nên cần tổ chức hiệp hội, DN nêu ra vấn đề để các bộ đi nhanh hơn. Tôi nghĩ rằng cần một quá trình đầy đủ hơn, với sự tham gia của nhiều phía. Từ kỷ lục của Bộ Công Thương sẽ tạo ra cú hích, động lực, chuyển động từ các bộ ngành khác.

Chúng ta có nên lạc quan hay không bởi trong nhiều năm ĐKKD đã ăn mòn sức lực và tâm huyết của các DN. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều điều kiện đặt ra. Thời gian tới, chúng ta sẽ phải làm gì để giải quyết hàng núi ĐKKD, trong đó có nhiều quy định trá hình, chỉ "một câu, đôi chữ" cũng ảnh hưởng đến nhiều DN, ngành nghề?

- Tôi cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, thời gian qua, qua tiếp xúc, khá nhiều DN bi quan về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không kiên nhẫn thì không làm được. Cả DN, cơ quan nghiên cứu và dư luận cần kiên trì đấu tranh cho cái mới, chúng ta không thể thay đổi ngọn núi chỉ trong ngày một, ngày hai được.

Tôi nghĩ, từng người, từng bước từng lúc một chúng ta sẽ làm được, nhất là lúc này khi Bộ Công Thương đã có động thái tốt. Nếu DN và các hiệp hội có những kiến nghị thuyết phục, xây dựng thì hoàn toàn có thể khiến Chính phủ, bộ ngành lắng nghe chứ không phải những vấn đề gì quá "lãng mạn".

Mặc dù khá mừng về việc cắt giảm hơn 675 điều kiện kinh doanh, song so với đề xuất của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) gửi Thủ tướng, Viện này đưa ra hơn 2.000 điều kiện kinh doanh cần được cắt giảm, như vậy việc làm sắp tới sẽ còn rất nhiều, ông nhận định gì về vấn đề này?

- Thực ra CIEM không đưa ra danh mục các điều kiện cần bãi bỏ, họ dựa trên bao nhiêu điều kiện về quy mô và nhân lực thực hiện để đề nghị bãi bỏ. Tức là đề xuất bỏ ĐKKD cả gói chung.

Đánh giá tổng thể của CIEM rất quan trọng, nó cho thấy bức tranh toàn cảnh về các ĐKKD và những yêu cầu cần phải loại bỏ các điều kiện bất hợp lý này. Tôi cho rằng, CIEM đang được giao xây dựng các tiêu chuẩn để kiểm soát ĐKKD, việc này rất quan trọng bởi "dọn dẹp" các điều kiện này là rất tốt rồi nhưng đưa ra tiêu chuẩn, định hình như thế nào là ĐKKD và quy định cụ thể bằng pháp lý nhằm chống lợi ích cục bộ, cài cắm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (Thực hiện)