Cắt giảm thuế nhập khẩu: “Không đáng ngại!”
Kể từ 11/1/2007, hàng loạt dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu sẽ phải cắt giảm theo đúng cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nhận định, việc cắt giảm thuế nhập khẩu trước mắt chưa tác động tới tổng thu ngân sách, mặc dù cơ cấu thu có sự “xáo trộn” đáng kể.
Thưa ông, thu ngân sách bị tác động ra sao khi hàng loạt dòng thuế nhập khẩu phải cắt giảm?
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hiện chỉ chiếm 19 - 22%% tổng thu ngân sách, trong đó, thuế nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 40% tổng số thu của ngành hải quan (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Theo cam kết, trong 3 năm tới, thuế nhập khẩu giảm bình quân 30% so với mức thuế bình quân hiện hành. Như vậy, xét về tổng thể thì thu của hải quan không ảnh hưởng nhiều do gia nhập WTO.
Ở khía cạnh khác, khi giảm thuế nhập khẩu, giá trị nhập khẩu gia tăng, khiến sản xuất trong nước gặp khó khăn. Hệ quả là thu nội địa gặp trở ngại đáng kể.
Khoảng 40% tổng số thu của ngành hải quan là từ thuế nhập khẩu, nhưng việc giảm thuế lại không ảnh hưởng đến số thu của ngành hải quan. Thưa ông, điều này dường như hơi khó hiểu?
Kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam phải cắt giảm thuế suất tới trên 35% tổng số dòng thuế, việc giảm thuế lại chủ yếu áp dụng đối với mặt hàng đang phải chịu thuế, đặc biệt là những mặt hàng có thuế suất trên 20% sẽ khiến thương mại chính thức tăng lên, giảm bớt được gian lận thương mại, số thu cũng sẽ tăng lên.
Tôi nghĩ rằng, trong ngắn hạn, cân đối ngân sách chưa đến nỗi lo lắng lắm.
Còn trong dài hạn, thưa ông?
Cũng không đáng lo ngại, bởi trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã thành công qua 3 cuộc tập dượt.
Cụ thể, từ 1/7/2003, Việt Nam bắt đầu phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế suất đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước ASEAN theo AFTA. Kể từ ngày 1/1/2006, Việt Nam phải thực hiện tất cả các cam kết trong AFTA.
Ngoài ra, thực hiện cam kết giảm thuế xuất nhập khẩu giữa ASEAN - Trung Quốc nhằm thực hiện ACFTA, Việt Nam đã phải cắt bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khi thực hiện các cam kết kể trên, nhiều người cho rằng, hàng hoá của các nước khu vực hoặc của nhà đầu tư ngoài khu vực đầu tư trong các nước trong khu vực sẽ đổ bộ vào Việt Nam.
Thực tế cho thấy, sự tác động có xảy ra, như hàng hoá, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy… trên thị trường nội địa phong phú hơn, rẻ hơn, nhưng sản xuất trong nước vẫn ổn định và bảo đảm tăng trưởng nên số thu nội địa vẫn tăng trưởng.
Có nghĩa là, với những kinh nghiệm trong việc thực hiện cam kết AFTA và ACFTA, Việt Nam sẽ thành công khi gia nhập WTO?
Tôi tin là như thế, bởi trên thực tế, khi đi đàm phán, các bộ, ngành đã nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng việc cắt giảm thuế suất đối với từng dòng hàng, từng đối tác.
Câu hỏi thường được đặt ra và bắt buộc phải trả lời là khi cam kết với đối tác này về thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nào đó thì điều gì sẽ xảy ra, ảnh hưởng ngắn hạn, dài hạn đến sản xuất trong nước ra sao?
Kết quả là, chúng ta được thực hiện cam kết theo cả một lộ trình đối với những mặt hàng, những ngành công nghiệp quan trọng. Với những ngành kinh tế quan trọng, chúng ta vẫn được bảo hộ trong chừng mực. Chỉ có điều, trước đây, chúng ta bảo hộ rộng, còn bây giờ, chúng ta chỉ bảo hộ đối với những ngành quyết định đến sự phát triển, ổn định của nền kinh tế, cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.
Hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với cơ cấu thu ngân sách phải thay đổi. Bức tranh này có thể hình dung ra sao?
Phải phù hợp với cơ cấu thu như các nước trong WTO: tỷ lệ thu thuế nhập khẩu giảm dần, thu nội địa tăng dần; tỷ lệ thu từ thuế trực thu giảm dần, thu từ thuế gián thu tăng dần.
Mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc nền kinh tế có sự tăng trưởng vững chắc hơn, thu nhập của người dân tăng lên. Bởi ngoài thu nhập từ làm công, ăn lương, thu nhập đầu tư sẽ tăng rất mạnh, nên ngân sách sẽ tăng thu và bù đắp được khoản thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu.
Tất nhiên, muốn thu được những khoản này, trong thời gian tới, Việt Nam phải ban hành một số sắc thuế phát sinh do thực hiện toàn cầu hoá như thuế thu nhập cá nhân chẳng hạn.
Tăng thuế trực thu? Thưa ông, điều này có mâu thuẫn không khi Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, trong thời gian tới, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, xuống mức thấp dưới 28% như hiện nay?
Cần phải hiểu giảm thuế là để tăng thu. Thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, nhà đầu tư chỉ quyết định đầu tư chỉ khi Chính phủ đưa ra thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp, vì thuế trên thực tế là một phần chi phí của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sẽ không ai đầu tư khi phải trả chi phí quá lớn.
Trong vòng 5 năm vừa qua, đặc biệt 3 năm gần đây, Quốc hội đã sửa đổi rất nhiều luật thuế, trong đó đều thực hiện giảm tỷ lệ động viên (giảm thuế suất), nhưng số thu ngân sách năm sau đều cao hơn năm trước 16 - 17%.
Ông có thể cho biết, mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới?
Thuế là chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bởi thuế là thành quả hoạt động kinh tế của cả xã hội. Chính vì vậy, cần phải đưa ra mức thuế suất phù hợp, vì nếu thuế quá cao sẽ hạn chế tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh, còn ngược lại, thuế suất quá thấp sẽ làm méo mó hoạt động đầu tư.
Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư