CARE Quốc tế tại Việt Nam - Chặng đường 30 năm
(Dân trí) - Năm 2019 đánh dấu năm thứ 30 CARE quốc tế chính thức hoạt động tại Việt Nam. Nhân sự kiện này, CARE tổ chức chuỗi hoạt động "CARE 30" bao gồm "Sự kiện chạy bộ - We care, we run", “Triển lãm 19.89 - 3 Thập kỷ 1 Thước hình” và các hoạt động bên lề.
“Sự kiện chạy bộ We care, we run” diễn ra vào sáng Chủ nhật, ngày 24/11/2019, tại Công viên Thống Nhất, thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng người Việt cùng một số người nước ngoài.
Tại sự kiện, “Triển lãm 19.89 - 3 Thập kỷ 1 Thước hình” đem đến các câu chuyện mang màu sắc riêng, tựu chung lại đem đến cái nhìn tổng quan về những điều CARE đã làm được trong suốt thời gian qua. Qua những câu chuyện, người theo dõi hiểu hơn các tác động, thay đổi tích cực trên mảnh đất hình chữ S mà CARE đem tới.
Cuộc đua mini “Chạy trên giày trên giày người khác” là hoạt động khởi động của sự kiện chạy bộ. Khi chạy, người tham gia sẽ không sử dụng giày của mình, mà sẽ sử dụng giày của người khác. Một đôi giày cao gót cho một người đàn ông, một đôi giày da cho một người phụ nữ, một chiếc giày búp bê cho một cậu con trai, v.v… Hoạt động này xuất phát từ câu “put yourself in their shoes”, hay có nghĩa là “hãy đặt mình vào vị trí của người khác”, nhằm mục đích gia tăng sự cảm thông và chia sẻ.
Bức tường ở “We care, we run” xuất hiện để kết nối. Người tham gia sự kiện sẽ viết lên bức tường sự quan tâm của bản thân mình. Tại sự kiện, những sự quan tâm được thể hiện vô cùng đa dạng đến từ rất nhiều các đối tượng.
Sự kiện chạy bộ “We care, we run” được tổ chức nhằm lan tỏa những giá trị nhân văn, thúc đẩy sự quan tâm của cộng động tới các vấn đề trong xã hội. Với tiêu chí “chạy” để hướng tới những điều chúng ta quan tâm, sự kiện đem lại trải nghiệm thực tế và trực tiếp cho những người tham gia chạy bộ. “We care, We run” truyền tải thông điệp rằng mọi vấn đề chỉ có thể được xử lý khi chúng ta biến sự quan tâm trở thành hành động.
CARE chính thức hoạt động tại Việt Nam vào năm 1989. Ngày nay, các hoạt động chủ yếu của CARE tập trung vào việc đảm bảo thay đổi tích cực lâu dài cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi và phụ nữ dễ bị tổn thương ở khu vực thành thị, thông qua giải quyết các vấn đề cơ bản vốn là nguyên nhân của nghèo đói và bất công xã hội.