Capital House đạt giải thưởng quốc tế Transformational Business Awards
(Dân trí) - Vượt qua hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới, Tập đoàn Capital House vinh dự giành giải thưởng ở Hạng mục Công trình xanh tại Lễ trao Giải thưởng Transformational Business Awards 2018 vừa diễn ra tại Luân Đôn, Vương quốc Anh vào ngày 06/6.
Vươn tầm quốc tế
Capital House một lần nữa được vinh danh và lần này là ở một giải thưởng quốc tế danh giá - Transformational Business Awards 2018. Giải thưởng tôn vinh Capital House ở hạng mục Công trình xanh vì những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi tích cực và phát triển bền vững cho môi trường, đồng thời kiến tạo cuộc sống xanh cho cộng đồng. Vinh dự hơn khi Capital House là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng danh giá này.
Transformational Business Awards là giải thưởng thường niên do Tạp chí danh tiếng Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức bình chọn từ năm 2014. Giải thưởng có nhiều hạng mục như Công nghệ, Thực phẩm và Nước, Giáo dục, Y tế, Hạ tầng cơ sở, Công trình Xanh, Khí hậu, Tài chính. Hàng năm, Transformational Business Awards thu hút rất nhiều hồ sơ tham dự từ khắp các nước trên thế giới, đơn cử năm 2017 có 148 hồ sơ tham gia của 152 doanh nghiệp/tổ chức từ 84 quốc gia.
Hồ sơ tham dự được nghiên cứu và bình chọn bởi Hội đồng Giám khảo gồm 8 lãnh đạo và chuyên gia từ các tổ chức uy tín trên thế giới, như Financial Times, IFC, Climate Group, Centre for Global Development, University of California, San Diego… Tư vấn kỹ thuật cho Transformational Business Awards 2018 là công ty tư vấn và kiểm toán uy tín toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC).
Với nhiều điểm cộng trong hồ sơ đăng ký tham gia giải, Capital House với EcoHome Phúc Lợi là dự án tiêu biểu đã được vinh danh tại Transformational Business Awards 2018. Đây chính là sự ghi nhận của giới chuyên môn quốc tế đối với những giá trị xanh mà Capital House tiên phong đem lại cho cư dân và cộng đồng.
Capital House được ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa các tiêu chí xanh tiêu chuẩn quốc tế vào các dự án phân khúc giá thấp tại Việt Nam mà điển hình là dự án EcoHome Phúc Lợi. Theo tính toán, ước tính chi phí đầu tư ban đầu cho một công trình xanh thường cao hơn 10% so với việc xây dựng một công trình bình thường. Tuy nhiên, đối với EcoHome Phúc Lợi, chi phí bổ sung của dự án dành cho xây dựng xanh chỉ tăng 1%, trong khi giúp tiết kiệm 30% chi phí điện, nước hàng tháng cho cư dân.
Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của Capital House trong việc thực hiện chiến lược tiết kiệm năng lượng – bảo vệ môi trường, kiến tạo cuộc sống xanh…
Bên cạnh đó, Capital House cũng cam kết tất cả các dự án của Tập đoàn đều đạt được ít nhất một chứng chỉ xanh quốc tế. Với sự quyết tâm cao, Ban lãnh đạo Capital House đã thành lập Ban Nghiên cứu và Phát triển để cùng với các phòng, ban khác và công ty thành viên xây dựng, triển khai và thực hiện các dự án xanh.
Với vai trò tiên phong, năm 2017, Capital House cũng đã tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình phát triển Công trình xanh tại Việt Nam với mục tiêu lan tỏa ý nghĩa của việc phát triển các công trình xanh đối với môi trường và cộng đồng, và dự kiến đến năm 2022 sẽ thu hút được hơn 800 nhà phát triển bất động sản cùng tham gia đóng góp hàng ngàn dự án xanh cho xã hội.
Phát triển chuỗi căn hộ xanh
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston ở Mỹ, những người sống trong công trình xanh và môi trường xanh có tỷ lệ tử vong thấp hơn 12% so với tổng dân số. Nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, trầm cảm, lo lắng cũng giảm đáng kể. Không những thế, các công trình này còn có thể tiết kiệm 30% điện, 30-50% nước, 50-90% nước thải.
Mặc dù lợi ích của công trình xanh đã được biết đến rộng rãi trên thị trường, nhưng hầu hết các nhà phát triển bất động sản ở Việt Nam vẫn chưa tập trung vào lợi ích lâu dài và tính bền vững mà công trình đem lại. Đến nay, cả nước ước tính có khoảng 50 tòa nhà xanh được chứng nhận. Con số này khá khiêm tốn so với hơn 200 công trình được chứng nhận tại Malaysia, gần 900 công trình xanh tại Singapore.
Việc thay đổi và nâng cao nhận thức về công trình xanh ở Việt Nam, từ các nhà phát triển bất động sản đến người mua, từ khu vực công đến khu vực tư nhân đã đặt ra những khó khăn nhất định, trong khi mặt bằng triển khai dự án và chi phí xây dựng các công trình xanh có thể khiến đội phí và giá, dẫn tới rủi ro đầu tư cao.
Trong khi đó, Việt Nam cũng giống như nhiều nước ở châu Á, bị thiếu hụt nhà ở trầm trọng do áp lực về tăng dân số và đô thị hóa. Theo Báo cáo “Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10/2017, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam thời gian qua tăng 3,2%/năm - đây là mức tăng rất nhanh so với khu vực và cao gấp đôi tốc độ tăng dân số cả nước. Điều này đặt ra thách thức lớn để đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của con người như thực phẩm, nước sạch, năng lượng và nhà ở giá cả phải chăng. Vì vậy, việc cung cấp nhà ở giá rẻ, thuận tiện và xanh cho người có thu nhập thấp là một nhu cầu cấp thiết.
Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị ở Việt Nam ước đạt 46 triệu người, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Trong 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể đạt 5,1 triệu sản phẩm nhà ở phân khúc giá thấp và trung bình.
Trước tình hình đó, những năm qua, Capital House đã tiên phong đưa kiến trúc xanh vào các dự án từ EcoHome – nhà ở xã hội và nhà ở thương mại thu nhập thấp đến EcoLife - nhà ở thương mại thu nhập trung bình và cao. Các dự án xanh này giúp tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường và tạo không gian sống xanh cho cộng đồng.
Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House, quá trình để đến được với các dự án xanh của Capital House không dễ dàng, bởi không dễ để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Đến nay, Capital House đang sở hữu 5 chứng chỉ xanh thuộc 2 dự án là EcoLife Capitol và EcoHome Phúc Lợi, trong đó riêng dự án EcoLife Capitol đạt 4 chứng chỉ xanh. Ngoài ra, các dự án khác của Capital House cũng tiệm cận các tiêu chuẩn xanh này như EcoHome 1, EcoHome 2 và EcoLife Tây Hồ.
Chi phí đầu tư ban đầu cho công trình xanh thường cao hơn khoảng 10% so với việc xây dựng một công trình bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, con số có thể thấp hơn nếu nhận thức được vấn đề và bắt đầu áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn công trình xanh ngay từ giai đoạn lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành… Thậm chí, con số đầu tư có thể chỉ tương đương với chi phí một công trình tiêu chuẩn thông thường và hoàn toàn có thể làm với những dự án bình dân, ông Bách chia sẻ thêm.
C.Minh