Ông Bùi Thế Nhân:
"Cao tốc, sân bay là cơ hội đặc biệt lớn với du lịch Bình Thuận"
(Dân trí) - Cảm hứng từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến lượng khách du lịch Bình Thuận năm nay ước vượt 36% so với kế hoạch năm.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận - cho biết trải qua chặng đường 30 năm phát triển, Bình Thuận đã ghi tên mình trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam. Du lịch biển Bình Thuận đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Thông tin được nêu tại hội thảo "Giới thiệu và quảng bá điểm đến Kê Gà - Bình Thuận" do Tập đoàn Azerai phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận tổ chức.
Nằm giữa tam giác du lịch trọng điểm của khu vực phía Nam (TPHCM - Vũng Tàu - Phan Thiết), thời gian lái xe từ TPHCM đến Kê Gà khoảng 2 giờ đồng hồ. Cùng với việc hưởng lợi trực tiếp từ một loạt các dự án hạ tầng trọng điểm khác, Kê Gà đang sở hữu nhiều lợi thế để đón lượng khách khổng lồ từ TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Nằm giữa sân bay Long Thành và Phan Thiết, Kê Gà còn có tiềm năng thu hút du khách từ các tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam và du khách quốc tế. Địa phương cũng được quy hoạch để trở thành "thủ phủ resort" thứ 2 của Bình Thuận sau Mũi Né.
Ông Nhân nói năm nay, tỉnh ước đón 8,3 triệu lượt khách, tăng 34% so với năm trước và vượt 36% kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách nước ngoài đạt khoảng 220.000 lượt, tăng trưởng gấp 2 lần năm trước, chủ yếu đến từ châu Âu, Hàn Quốc.
Cũng theo ông Nhân, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 19.500 tỷ đồng. Lần đầu tiên, tỉnh Bình Thuận được ghi danh vào ngành du lịch Việt Nam, trong 10 tỉnh có doanh số du lịch trên 10.000 tỷ đồng trong liên tục 3 năm liền.
"Cảm hứng từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới được khánh thành trong năm nay, cảm hứng từ các nhà đầu tư phát triển sản phẩm mới giúp khách du lịch tăng trưởng tốt", Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận khẳng định.
Cảng hàng không Phan Thiết cũng được giới quan sát kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch Bình Thuận, với quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Nhân cho biết dự án đang được Trung ương và địa phương tiếp tục tháo gỡ một số vấn đề về thủ tục đầu tư nên có lẽ không kịp đi vào sử dụng trong năm 2024 mà cần sang năm 2025.
Ông Nhân thông tin, toàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị làm du lịch, đón làn sóng khách du lịch bùng nổ sau khi có sân bay. Bởi, trong năm nay, tỉnh mới chỉ có thêm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đón thêm hơn 2 triệu lượt khách. Nếu thêm sân bay, tỉnh dự đoán có thể đón thêm 5 triệu lượt khách và sẽ tăng đều, tăng "nóng" khi có thêm các đoàn khách nước ngoài, khách miền Bắc đổ bộ...
Về đầu tư, Giám đốc Sở cho biết toàn tỉnh có 380 dự án về du lịch, đã triển khai đi vào hoạt động 132 dự án. Trong đó khu vực Kê Gà có 64 dự án, đi vào hoạt động 18 dự án.
Nguồn vốn đầu tư vào Bình Thuận tiếp tục tăng đều qua các năm, tăng mạnh nhất ở nhóm nhà đầu tư chiến lược như Novaland, Sungroup… Tiếp đó là các tập đoàn đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư với 1 đơn vị sản phẩm như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng; hoặc người dân bản địa cùng nhau làm homestay, farmstay, khu dã ngoại...
Để tăng cường quảng bá du lịch, Bình Thuận cũng tính đến phát triển kinh tế đêm và đã có đề án, dự kiến triển khai từ năm 2024. Ông Nhân cho biết đề án này đặt trung tâm kinh tế đêm là Phan Thiết, trong lòng khu phố hiện hữu. Khu vực kinh tế đêm thứ 2 là ở Hàm Tiến - Mũi Né - "thủ phủ resort" do các doanh nghiệp, hiệp hội tự triển khai. Khu kinh tế đêm thứ 3 là Kê Gà tại các đô thị Thanh Long Bay và NovaWorld Phan Thiết.
Đồng thời, Bình Thuận cũng sẽ tổ chức các sự kiện thường niên, mang đậm phong cách du lịch của tỉnh gắn liền với các yếu tố tự nhiên, như giải đua xe đạp chuyên nghiệp tận dụng cung đường đôi Bàu Trắng, giải mô tô địa hình đồi Cát, lướt ván diều trên biển, lễ hội thả diều trên đồi Trinh Nữ. Tỉnh cũng đang thiết kế các giải thể thao chuyên cho du khách như thả diều, lướt ván dù, chạy marathon…