Cao điểm cuối năm, ô tô giảm giá hàng loạt, có nên mua xe lúc này?

An Linh

(Dân trí) - Mùa cao điểm cuối năm, không giống như trước đây nhiều hãng giảm giá xe hàng loạt để kích thích mua sắm. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có nên mua xe lúc này hay đợi năm 2021?

Ồ ạt giảm giá xe, dùng chiêu kích cầu cuối năm

Bước sang tháng 10, giá hàng loạt mẫu xe trên thị trường giảm mạnh. Các hãng xe có mẫu phổ thông như Toyota, Honda, Mazda, Kia đến Hyundai cũng đều giảm giá các mẫu xe chiến lược, có doanh số cao. 

Cao điểm cuối năm, ô tô giảm giá hàng loạt, có nên mua xe lúc này? - 1

Ồ ạt các mẫu xe, hãng xe giảm giá cuối năm và tung chiêu kích thích người mua ô tô (ảnh minh họa)

Các mẫu xe sang "chảnh" như BMW hay Volkswagen trước đây không hề giảm giá kích cầu, nay cũng tuyên bố giảm giá hàng loạt dòng xe, mẫu xe từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/chiếc.

Cụ thể, tại Hà Nội, Hyundai Kona, Tucson, SantaFe, ba mẫu xe "không bao giờ lo doanh số" của Thành Công nay cũng giảm giá từ 30 đến 60 triệu đồng/chiếc, tùy theo đại lý.

Các mẫu xe như Mitsubishi Xpander, Toyota Innova hay Ford Everest cũng đều được giảm giá bán đại lý từ 25 đến 80 triệu đồng/chiếc. Mẫu Forester của Subaru đang ở ngưỡng gần 900 triệu đồng đến gần 1,180 tỷ đồng, mức giảm giá cao nhất được ghi nhận hơn 200 triệu đồng chiếc.

Ngoài mẫu X7 được ghi nhận giảm giá từ 1 đến 1,4 tỷ đồng, các mẫu BMW X1 đến X5 mà Trường Hải - Thaco phân phối ở Việt Nam cũng được giảm giá từ 20 đến hơn 300 triệu đồng/chiếc.

Ngay cả doanh số mẫu xe bán tải của Ford như Ranger cũng được giảm hơn 100 triệu đồng/chiếc. Điều này cho thấy các hãng xe đã, đang và sẽ giảm giá xe trên mọi mẫu xe, dòng xe.

Ngoài giảm giá, các chiêu kích cầu được các hãng xe đẩy ra ngày càng nhiều, khách hàng như lạc vào ma trận khuyến mãi. Cụ thể, như một số hãng ưu đãi thêm 2 năm bảo dưỡng cho người mua xe; tặng thêm 12 tháng bảo hành đi kèm với điều kiện số về km tối đa. Đặc biệt, có hãng xe ưu đãi trả 0% lãi suất cho khách hàng mua xe trong 2 năm đầu tiên, khách chỉ trả vài chục triệu có thể lái xe cả tỷ đồng về nhà, trong 2 năm không chịu lãi, khách chỉ cần trả số tiền gốc ấn định từ hãng xe đưa ra. 

Việc trả số tiền ấn định từ hãng thoạt nhìn người mua có lợi, song xét mọi khía cạnh thì chưa hẳn. Người mua xe được hưởng 0% lãi suất 2 năm đầu tiên sẽ phải chịu giá mua xe ở mức cao nhất, không hoặc rất ít được hưởng khuyến mãi giảm giá trong tháng của hãng, đại lý.

Trong khi đó, số tiền ấn định trả hàng tháng nếu tính ra sẽ được hãng, đại lý ngầm cộng thêm lãi suất. Bên cạnh đó, thông thường, khách sẽ phải trả tiền gốc 2 năm đầu tiên không dưới 50% giá trị chiếc xe, và từ khách hàng của hãng xe, sau khi mua xe, người mua sẽ là con nợ của các ngân hàng, nếu chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán số tiền vay còn lại, chịu khá nhiều thủ tục, mức phạt rắc rối từ phía ngân hàng.

Mua xe cuối năm, lợi hay bất lợi?

Theo rất nhiều chuyên gia về xe hơi, mua xe cuối năm ở thị trường Việt Nam những năm trước đây có điểm lợi duy nhất là vòng đời xe không thay đổi quá nhanh. Thường thì các mẫu xe "hot" trên thị trường Việt phải 3 năm mới thay đời, lên mẫu mới, nên mua xe cuối năm vẫn ung dung đi mà không sợ lỗi mốt.

Cao điểm cuối năm, ô tô giảm giá hàng loạt, có nên mua xe lúc này? - 2

Mua xe cuối năm, khách hàng xác định các điểm lợi hoặc bất lợi khi xuống tiền (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay, vòng đời xe tại Việt Nam thay đổi khá nhanh, thường 2 năm đã thay đời xe hoặc mẫu xe ra sớm hơn, tịnh tiến trước 2 năm, cụ thể năm 2020 nhưng một số hãng đã bán mẫu cho 2021 hoặc 2022.

Điều này khiến cho cuộc chạy đua ra mắt mẫu xe, thiết lập mặt bằng giá xe mới trên thị trường ngày càng nhanh hơn, các hãng xe bắt buộc phải nhìn nhau để xây dựng giá, tránh rơi vào cuộc "tàn sát" nhau vì bỏ giá rẻ để tranh thị phần như kiểu Xpander triệt hạ Innova. Và bài học kinh nghiệm này hiện được Suzuki áp dụng ngay cho Ertiga, XL7 khi giá thấp hơn hẳn các mẫu Innova, Xpander hay Rondo nhằm lấy thị phần tại Việt Nam.

Theo giới sành xe, mua xe cuối năm, người mua xe sẽ phải cân nhắc, chấp nhận "gánh đời" cho chiếc xe. Nếu may mắn, các mẫu xe 3 năm mới lên đời, người mua xe cuối năm 2020 vẫn vui vẻ chấp nhận và sử dụng chiếc xe mà không lo "vừa mua xe mới đã lỗi thời". 

Tuy nhiên, nếu mua phải mẫu xe thay đời hoặc vòng đời xe thay đổi 2 năm/lần, người mua xe năm 2020 sẽ hụt hẫng khi “vừa mua đã cũ”. Chính vì điều này, rất nhiều khách hàng không thích mua xe cuối năm, hoặc nếu có mua cũng chọn những mẫu xe mới nhất để tránh phải dùng "đồ cũ", "xe mới mất giá".

Ở chiều ngược lại, động lực khuyến khích khách mua xe cuối năm 2020 được đánh giá là tốt nhất trong những năm trở lại đây. Xu hướng giảm giá đang diễn ra ở mọi mẫu xe, mọi dòng xe. Đây là điều khác biệt với các năm trước khi cuối năm, các mẫu xe doanh số cao đều bị hãng, đại lý găm hàng, tăng giá và bán "bia kèm lạc"... gây ức chế cho người mua hàng.

Một động lực giúp người tiêu dùng mua xe là chính sách giảm phí trước bạ xe hơi trong nước từ 10-12% xuống 5-6% chỉ còn 2 tháng nữa. Sang năm 2021, chính sách này sẽ hết hiệu lực. Nếu không mua nhanh, khách hàng xe không được giảm giá xe từ vài chục, đến vài trăm triệu đồng/chiếc (tùy theo giá tính phí của chiếc xe". Đây cũng là điều giúp khách hàng có động lực mua xe nhiều hơn mọi năm.

Nhưng lại có một nguyên nhân khiến những người có ý định mua xe do dự chính là năm 2021 trở đi, xe nhập khẩu từ EU về Việt Nam mỗi năm sẽ giảm từ 6-7,4% thuế nhập khẩu, điều này có thể sẽ khiến giá xe tại Việt Nam giảm thêm, rất nhiều người trông chờ vào điều này để hoãn kế hoạch mua xe, chờ các yếu tố thuận lợi mới xuống tiền.

Tuy nhiên, một số người am hiểu vào thị trường xe cho biết, động lực giảm thuế nhập khẩu xe EU phải đến 5-6 năm nữa mới thực sự rõ rệt, bởi giảm từ 6-7,4% thuế nhập xe không tác động quá nhiều đối với thị trường. Trong khi đó, điều kiện đủ để giá xe giảm là tăng thêm nhà nhập khẩu xe từ EU, phá bỏ việc chỉ có từ 1-2 nhà nhập khẩu chính thức ở Việt Nam như hiện nay, mới có thể giảm giá xe từ giảm thuế được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm