Cảnh báo tâm lý “sùng bái” FDI đang làm trầm trọng tình hình chuyển giá

(Dân trí) - Ghi nhận những đóng góp của khối FDI với nền kinh tế, song ông Đậu Anh Tuấn vẫn cảnh báo tâm lý “sùng bái” các dự án FDI tại các địa phương trong khi hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phải đang vật vã với những khó khăn.

Việc ưu ái DN FDI hơn các DN tư nhân trong nước không chỉ gây mất bình đẳng mà còn gây thất thu ngân sách
Việc ưu ái DN FDI hơn các DN tư nhân trong nước không chỉ gây mất bình đẳng mà còn gây thất thu ngân sách

Các nước đang phát triển thất thu 100 tỷ USD/năm vì thiên đường thuế

Trong khuôn khổ chiến dịch “Thu hẹp khoảng cách”, ngày 18/5, tổ chức Oxfam đã công bố danh sách 15 thiên đường thuế mà tổ chức này xây dựng dựa trên các tiêu chí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ưu đãi thuế và hợp tác quốc tế chống tránh thuế.

Danh sách thiên đường thuế gồm có: Bermuda, Đảo Cayman, Hà Lan, Switzerland, Singaopre, Ireland, Luxembour, Curacao, Hongkong, Đảo Síp, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius, British Virgin Islands.

Theo đánh giá của Oxfam, các thiên đường thuế làm thất thu các khoản thu lớn từ thuế. 90% các công ty lớn nhất trên thế giới có mặt tại ít nhất 1 thiên đường thuế. Theo đó, những tập đoàn này dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính của mình để tránh thuế với số tiền vận động hành lang đã chi lên đến 2,5 tỷ USD.

Ước tính, cứ 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế, họ giảm được mức đóng thuế xuống 1.200 USD. Nhờ đó, mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế được quy định trong luật.

Theo Oxfam, mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.

Nhẽ ra, các DN phải có trách nhiệm đóng đủ phần thuế của mình, tại những nơi mình có hoạt động kinh doanh, để hoàn trả lại những trách nhiệm về môi trường, đất đai, và nguồn lực công khác mà DN sử dụng của nước sở tại. Thế nhưng, hệ thống thuế hiện tại lại đang cho phép các công ty tránh đóng hàng tỷ đô la tiền thuế trong khuôn khổ pháp luật.

Cụ thể, giảm thuế TNDN hay tạo nhiều ưu đãi thuế hơn cho DN cũng đang được sử dụng rộng rãi với mong muốn thu hút đầu tư.

“Trong một vài thập kỷ vừa qua, số liệu cho thấy rằng số tiền nộp thuế của các công ty lớn đang giảm dần, do các quốc gia đang cạnh tranh trong cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN”, Oxfam nhận xét.

Thu hút đầu tư bằng những “cuộc đua xuống đáy” giảm thuế

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn đầu những năm 2000, Việt Nam cũng đã từng có “cuộc đua xuống đáy” rất mạnh mẽ khi hàng chục tỉnh thành ban hành văn bản phá rào ưu đãi thuế, đất đai để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Những ưu đãi này khiến hoạt động đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ hơn so với nhiều nước khác. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ, tiêu chuẩn môi trường tương đối lỏng lẻo nên DN FDI vẫn coi Việt Nam là điểm đến dù hạ tầng tương đối yếu, tham nhũng phổ biến, dịch vụ công kém, chính sách ngắn hạn…

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các DN FDI lớn hoạt động tại Việt Nam lại đang cho thấy có dấu hiệu chuyển giá khi thường xuyên báo lỗ trong khi vẫn liên tục mở rộng quy mô rất bài bản. Do đó, vị đại diện VCCI mặc dù ghi nhận những đóng góp của khối FDI với nền kinh tế song vẫn cảnh báo tâm lý “sùng bái” các dự án FDI, coi các nhà đầu tư nước ngoài như một tín hiệu tốt của môi trường đầu tư.

“Nhiều tỉnh tổ chức riêng đoàn phản ứng nhanh cho dự án FDI. Cái này tốt nhưng các DN khác có được quyền như vậy không? Hàng nghìn DN tư nhân trong nước thì vật vã nhưng không được hỗ trợ như thế”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, chuyển giá nôm na là “giảm lợi nhuận để tránh thuế.” Theo ông, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nên xem lại chính sách thuế của mình, bởi rõ ràng đang có một thực tế là có những đơn vị nhiều thu nhập nhất lại né đi thuế đóng góp cho xã hội.

Tại Việt Nam, việc bổ sung ưu đãi thuế ước làm giảm thu ngân sách khoảng 2.080 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2014, số giảm thu ngân sách do áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật thuế ước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm .

Đây là con số ước tính khi trình dự án luật và trên thực tế, Oxfam cho rằng, số giảm thu ngân sách thực tế do ưu đãi thuế có thể cao hơn rất nhiều lần.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế là một trong những nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với bội chi ngân sách nhà nước tiếp tục có xu hướng gia tăng qua các năm và người dân chịu gánh nặng chi tiêu y tế cao.

Bích Diệp