Cảnh báo hacker đột nhập email doanh nghiệp để lừa đảo!

(Dân trí) - Liên hệ nhập hàng với “đối tác” Việt Nam qua thông tin quảng cáo, một doanh nghiệp Nam Phi đã “tiền mất tật mang” khi cả tin chuyển trước tiền đặt cọc còn “đối tác” kia thì lập tức “bốc hơi” ngay sau đó.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Đầu tư vào Tây Bắc: Doanh nghiệp mới quan tâm mà chưa "mặn mà"

* Xuất khẩu gạo chìm trong bóng tối: Không nằm ngoài dự đoán!

* Doanh nhân Hàn Quốc choáng với cảnh nhậu cả ngày ở Việt Nam

* Xuất khẩu gạo, đâu là ánh sáng trong đường hầm tối?

* VEC nói gì về nghi án nhà thầu POSCO lập quỹ đen?

* Vùng trũng công nghệ: Mơ hão vươn tầm quốc tế?

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi vừa phát thông tin cho biết, trong năm 2014, cơ quan này đã cảnh báo 2 trường hợp tội phạm đột nhập hộp thư điện tử của doanh nghiệp để lừa đảo. Đầu năm 2015, trên địa bàn Nam Phi lại tiếp tục xảy ra 1 trường hợp tội phạm đột nhập hộp thư điện tử của doanh nghiệp để lừa đảo.

Cụ thể, doanh nghiệp X (Nam Phi) chuyên kinh doanh các mặt hàng kính xây dựng. Sau một chuyến du lịch Việt Nam, Giám đốc du lịch thấy tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và có cảm tình với người Việt Nam nên quyết định chuyển hướng nhập khẩu kính từ Việt Nam. 

Qua mạng internet doanh nghiệp X tìm được doanh nghiệp Y (Việt Nam) có sản phẩm phù hợp và liên hệ ngay với doanh nghiệp Y theo địa chỉ hộp thư điện tử của doanh nghiệp Y đăng quảng cáo trên internet đồng thời gọi điện thoại theo số điện thoại đăng trong quảng cáo để xác minh thêm.
 
Việc giao dịch sau đó giữa 2 doanh nghiệp diễn ra thuận lợi. Doanh nghiệp X chuyển tiền đặt cọc cho doanh nghiệp Y. Ngay lập tức sau khi chuyển tiền doanh nghiệp X không còn nhận được thư trả lời từ địa chỉ hộp thư điện tử của doanh nghiệp Y. Số điện thoại đăng trong quảng cáo cũng không còn liên hệ được nữa.
 
Doanh nghiệp X vội vàng trình báo sự việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi và đề nghị giúp đỡ. Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ liên hệ với doanh nghiệp Y và được doanh nghiệp Y cho biết doanh nghiệp Y không giao dịch với bất cứ doanh nghiệp nào ở Nam Phi, và cũng không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ Nam Phi.
 
Kết quả điều tra tiếp theo cho thấy 2 năm trước hộp thư điện tử của doanh nghiệp Y đã bị tội phạm đột nhập và sử dụng để lừa đảo. Doanh nghiệp Y đã gửi thông báo cảnh báo tới các khách hàng và đăng thông báo cảnh báo trên trang web của doanh nghiệp. Nhưng có thể doanh nghiệp đã không kịp gỡ bỏ hết các quảng cáo đăng trên các trang quảng cáo quốc tế nên tội phạm đã lợi dụng để tiếp tục lừa đảo.
 
Tiếp tục điều tra thêm thì được biết tiền đặt cọc doanh nghiệp X chuyển về Việt Nam theo hướng dẫn của tội phạm được chuyền vào tài khoàn của 1 cá nhân Z tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần W. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi lập tức thông báo vụ việc cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần này để đề nghị xác minh và phối hợp giải quyết nhằm ngăn chặn hành vi tội phạm và bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam và cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần W ghi nhận vụ việc nhưng sẽ giải quyết theo quy định của ngân hàng về việc giữ bí mật thông tin cá nhân của khách hàng.
 
Qua vụ việc trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng hơn nữa trong việc bảo vệ hộp thư điện tử của doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đăng quảng cáo trên các trang quảng cáo quốc tế.
 
Đại sứ quán cũng đề nghị các ngân hàng tăng cường kiểm soát, phối hợp ngăn chặn hành vi tội phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm hơn nữa đến tình trạng gia tăng các tội phạm đột nhập hộp thư điện tử của doanh nghiệp để lừa đảo. 

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”