Căng thẳng biển Đông chưa tác động đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

(Dân trí) - Trong khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh thì doanh nghiệp cá tra và hải sản vẫn chưa bị tác động. Nếu Trung Quốc không có bất cứ động thái “tiêu cực” nào thì 2014 có thể sẽ tiếp tục là một năm “thu hoạch” của Việt Nam.

Căng thẳng biển Đông chưa tác động đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
Năm 2013, Trung Quốc cũng đóng vai trò là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ, EU và Nhật Bản. 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
*
Lãi suất giảm mạnh có thể là “con dao hai lưỡi”

* Sau vụ gây rối tại Bình Dương: Gần 290 tỷ đồng hỗ trợ 37 doanh nghiệp

* Những "trò lố" xác thịt trong quảng cáo của doanh nghiệp Việt

* Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam

Dẫn đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, mặc dù hàng nông thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 nước và khu vực song thực tế nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng nông, thủy sản lớn của Việt Nam. 

Do vậy, trong bối cảnh bất ổn hiện nay, thì đây có thể là "mối nguy" nếu Trung Quốc áp dụng bất kỳ các biện pháp tiêu cực nào đến các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông) là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 4 trên thế giới. Năm 2013, thị trường này đã tiêu tốn đến 11,28 tỷ USD để nhập khẩu thủy sản. 

Với dân số trên 1,3 tỷ người, GDP năm 2013 đạt 9.300 tỷ USD dự kiến sẽ vượt 10.000 tỷ USD vào năm nay, tiêu thụ thủy sản bình quân đạt 15kg/người, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nước sản xuất thủy sản trên thế giới.

Năm 2013, Trung Quốc cũng đóng vai trò là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc năm vừa qua đạt trên 572,7 triệu USD, tăng 36,6% so với năm 2012. Đây cũng là thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu tôm vẫn tăng hơn 60% trong 4 tháng đầu năm

Vasep cho biết, tôm chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 381,1 triệu USD, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Dẫn đánh giá của một doanh nghiệp đã có hơn 10 năm cung cấp tôm cho thị trường Trung Quốc, Vasep cho hay, đây là một thị trường khá dễ tính, không đòi hỏi quá cầu kỳ về chế biến như EU hay Nhật Bản.

Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên thị trường này là tôm HLSO (tôm bỏ đầu). Nhờ nguồn cung tôm trong nước ổn định và đều đặn, đáp ứng được nhu cầu của bạn hàng Trung Quốc nên công ty đã thiết lập được những mối quan hệ lâu dài và vững chắc. Vì vậy, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng biển Đông như hiện nay, tình hình xuất khẩu của công ty vẫn không bị ảnh hưởng.

Tôm sú là thế mạnh của Việt Nam so với các nước cạnh tranh khác trong nguồn cung tôm cho Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, trong khi nhu cầu đối với tiêu thụ tôm của Trung Quốc rất lớn, nhờ đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng. 

Năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 49,1%. Bốn tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng 60,3% so với cùng kỳ.

Trung Quốc chưa thật sự “hấp dẫn” với cá tra

Trung Quốc chưa thật sự “hấp dẫn” với cá tra

Theo Vasep, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thật sự “hấp dẫn” đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, một phần bởi có nhiều lựa chọn khác tốt hơn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã bắt đầu “nhìn” đến thị trường này khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ hay EU ngày càng khó khăn.

Năm 2013, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong xuất khẩu cá tra Việt Nam với 5%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong năm qua đã tăng 24,9% so với năm 2012, giữa lúc xuất khẩu sang EU, thị trường tiêu thụ lớn nhất cá tra Việt Nam giảm 9,4%.

4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi xuất khẩu sang EU tiếp tục giảm 10%.

Hải sản: Doanh nghiệp nhỏ bị lệ thuộc

Phản ánh với Vasep, một số doanh nghiệp hải sản cho biết, đối với mặt hàng này, các doanh nghiệp sang Trung Quốc thường là doanh nghiệp nhỏ. Đối với họ, Trung Quốc là thị trường mua dễ, mua nhanh, không đòi hỏi chất lượng cao, nên doanh nghiệp có thể xoay vòng vốn nhanh, không phải đầu tư nhiều. 

Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp này lại dễ bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc không ổn định và hay có rủi ro. Trước những diễn biến về Biển Đông hiện nay, hoạt động thương mại của những doanh nghiệp này với Trung Quốc vẫn bình thường, mặc dù vậy, doanh nghiệp của hai nước cũng có thái độ e dè hơn.
 
Trong trường hợp quan hệ thương mại giữa hai nước xấu hơn, Vasep cho rằng, những doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi họ quá quen làm ăn với thị trường này mà chưa có chiến lược xuất khẩu sang những thị trường khác.

Như vậy, theo Vasep, nhìn chung, căng thẳng trên biển Đông dường như chưa tác động tới thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp hội vẫn đánh giá, năm 2014 có thể sẽ tiếp tục là một năm “thu hoạch” của Việt Nam trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường này nếu như Trung Quốc không có bất cứ động thái “tiêu cực” nào, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm bởi Trung Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến sản lượng tôm nuôi của nước này giảm mạnh. 

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”