FDI vào Trung Quốc sụt mạnh trong tháng gây hấn với Việt Nam

(Dân trí) - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong tháng 5, tháng nước này bắt đầu các hành động gây hấn trên Biển Đông với Việt Nam đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các doanh nghiệp Nhật đã rút mạnh nguồn vốn tại thị trường này.

Trung Quốc không ngừng gây hấn với tàu chấp pháp Việt Nam trên biển
Trung Quốc không ngừng gây hấn với tàu chấp pháp Việt Nam trên biển

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 


Theo số liệu chính thức được Bộ thương mại Trung Quốc công bố ngày 17/6, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào nước này trong tháng 5 đã sụt giảm tới 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,6 tỷ USD.

Với mức sụt giảm mạnh này, tính chung 5 tháng đầu năm, FDI vào Trung Quốc chỉ tăng được 1,6%, đạt 48,91 tỷ USD. Trong tháng 4, FDI vào Trung Quốc là 8,7 tỷ USD.

Góp phần lớn nhất vào xu hướng giảm này là các nhà đầu tư Nhật Bản, nước đứng thứ 5 về đầu tư FDI vào Trung Quốc, khi lượng vốn đầu tư vào nước này sụt tới 42,2%. Bộ thương mại Trung Quốc không cung cấp con số cụ thể.

Không chỉ Nhật Bản, các doanh nghiệp đến từ liên minh châu Âu và ASEAN cũng tỏ rõ sự quay lưng với thị trường Trung Quốc, khi tỷ lệ vốn đầu tư sụt giảm lần lượt 22,1% (còn 2,58 tỷ USD), và 22,3% (còn 2,54 tỷ USD). Các nhà đầu tư Mỹ cũng giảm lượng vốn rót vào Trung Quốc hơn 9%.

Trung Quốc hiện đang có nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, trong đó căng thẳng với Việt Nam đang ở mức đỉnh điểm, sau khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sự việc diễn ra vào những ngày đầu tháng 5 và đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Dù vậy, trong buổi họp báo, người phát ngôn Shen Danyang của Bộ thương mại nước này đã một mực phủ nhận rằng, vốn đầu tư vào Trung Quốc từ khu vực ASEAN giảm do căng thẳng trên Biển Đông.

“Nhìn chung, hợp tác của Trung Quốc với ASEAN không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại”, ông Shen nói.

Ngoài Việt Nam và các nước ASEAN, Trung Quốc từ lâu cũng tranh chấp chủ quyền với Nhật về một nhóm đảo trên biển Hoa Đông. “Những căng thẳng tiếp diễn trong mối quan hệ chính trị Trung – Nhật sẽ khiến môi trường hợp tác kinh tế song phương xấu đi, và có thể khiến hoạt động kinh tế và thương mại giữa hai nước giảm xuống, và ảnh hưởng tới các công ty”, ông Shen thừa nhận.

Tuy nhiên vị quan chức này lại tuyên bố một câu rất lạ lùng là “Trách nhiệm về việc này không phải của Trung Quốc”.

Ở chiều ngược lại, lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm cũng giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 30,81 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 5, tổng lượng vốn các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài, không bao gồm mảng tài chính, ở mức 556,5 tỷ USD.

Thanh Tùng
Theo AFP
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”