Nghĩ gì từ con số 9 tỷ USD?
Hằng năm, ngành dệt may của Việt Nam phải nhập vải từ Trung Quốc trị giá đến 9 tỷ USD. Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các dự án về công nghiệp phụ trợ, vùng nguyên phụ liệu... đã được bàn thảo nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Thanh khoản tăng mạnh vượt 2.100 tỷ đồng, "tứ trụ" khiến VN-Index "đỏ vỏ xanh lòng" |
Nhìn lại những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, có thể thấy, một số dự án về vùng nguyên phụ liệu cũng được manh nha từ rất sớm nhưng dần trôi vào quên lãng. Điển hình, năm 2004, sau khi được UBND TP.HCM đồng ý giao quỹ đất với diện tích 7,5 ha tại quận 9, thì ngành dệt may lại không khả năng có chi trả tiền đền bù.
Tiếp đó, TP.HCM cho ngành chọn địa điểm 5ha tại P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức để triển khai dự án Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may và da giày nhưng khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cùng các doanh nghiệp đang triển khai phần thiết kế thì Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lại ra thông báo thu hồi đất của dự án để sử dụng vào mục đích khác.
Hay như trường hợp Công ty Da Giày Liên Anh đã mạnh dạn bỏ ra 100 tỷ đồng để đầu tư trung tâm nguyên phụ liệu hơn 8ha tại Dĩ An, Bình Dương vào năm 2009 nhưng rồi hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, ngay từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã hình thành khoảng 146 cụm may mặc, tập trung chủ yếu ở Chiết Giang, Sơn Đông, Quảng Đông... đủ khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành công nghệ may mặc tại chỗ lẫn thế giới. Và ngay từ năm 2009, Việt Nam đã trở thành một trong 3 thị trường nhập khẩu vải lớn nhất từ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để ngành công nghiệp này không phụ thuộc vào Trung Quốc? Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, cho rằng, để lập vùng nguyên phụ liệu cho các ngành nghề, những người cầm trịch cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để định vị rõ nên tập trung vào khâu nào, TP.HCM làm gì, Bình Dương theo hướng nào?... Nếu tỉnh nào cũng chạy theo công nghiệp hỗ trợ hay lập vùng nguyên phụ liệu như nhau thì dễ rơi vào tình trạng bát nháo.
Hiện tại, một số địa phương đang lên kế hoạch để lập ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho các nhà sản xuất lớn. Điển hình như Bình Dương vừa quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ 300 ha/1000 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (dành cho ngành giấy, giày...). Tỉnh Bình Dương cùng các doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội Gỗ - Mỹ nghệ của tỉnh cũng đang trong quá trình thăm dò để tạo ra vùng sản xuất tập trung cho ngành gỗ, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng khép kín phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.