Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Cửa Việt đột phá mới cho ngành Logistic Việt Nam

(Dân trí) - Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã và đang được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng. Khi đi vào vận hành thương mại, dự án này sẽ là bước đột phá quan trọng trong phát triển ngành vận tải, logistic nói riêng và ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Trị nói chung. Trong khi đó, cảng biển Cửa Việt được Cục Hàng hải Việt Nam quy hoạch mở rộng, để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa từ Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC).

Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy có vị trí quan trọng kết nối giao thương quốc tế

Khu kinh tế ven biển Đông Nam – Quảng Trị quy mô lớn nằm trong Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), dọc tuyến đường bộ chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nối hai bờ đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 1.450 km.

Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Cửa Việt đột phá mới cho ngành Logistic Việt Nam - Ảnh 1.

Khu kinh tế biển Đông Nam Quảng Trị


Khu vực có điều kiện rất thuận lợi để hình thành một cảng biển với khoảng cách ngắn nhất, hấp dẫn hàng hóa từ khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia theo tuyến EWEC. Cảng biển Mỹ Thủy đã được quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, khu bến Mỹ Thủy là khu bến cảng biển tiềm năng, phát triển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Trị chuẩn bị hồ sơ và tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện việc thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Cửa Việt đột phá mới cho ngành Logistic Việt Nam - Ảnh 2.

Phối cảnh Cảng biển Mỹ Thủy


Đầu năm 2018, Công ty TNHH Rich & Wise và Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ đã tổ chức trao các hợp đồng tài trợ vốn và biên bản ghi nhớ về đầu tư Dự án cảng biển Mỹ Thuỷ. Dự án này được thực hiện bằng 100% vốn của nhà đầu tư. Dự án Cảng biển Mỹ Thuỷ bao gồm 10 bến có tổng chiều dài 3,3 km, hệ thống đê chắn sóng dài 1,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 637 triệu USD, xây dựng từ năm 2018 – 2025. Sau khi đi vào hoạt động cảng biển Mỹ Thuỷ có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn.

Các bến cảng Cửa Việt tiếp nhận tàu 3.000 – 5.000 tấn hoặc lớn hơn

Cảng Cửa Việt đã được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết, theo đó, cảng Cửa Việt có tổng diện tích gần 120ha, bao gồm: Khu bến cảng Bắc Cửa Việt có diện tích trên 28ha, có 2 bến cảng xăng dầu và 4 bến cảng tổng; khu bến cảng Nam Cửa Việt có diện tích hơn 95ha, có 1 bến cảng xăng dầu và 4 bến cảng tổng hợp. Đến năm 2020 lượng hàng hóa qua cảng đạt từ 1,6 – 2,1 triệu tấn/năm, đến năm 2030 đạt từ 3,3 – 4,3 triệu tấn/năm..

Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Cửa Việt đột phá mới cho ngành Logistic Việt Nam - Ảnh 3.

Cảng Cửa Việt – Quảng Trị giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của các tỉnh, hàng hoá nhanh chóng thâm nhập thị trường quốc tế.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa ban hành Quyết định số 3088/QĐ-UBND cấp dự án đầu tư Bến cảng CFG Nam Cửa Việt với tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH CFG Quảng Trị làm chủ đầu tư, mục tiêu hoạt động của dự án nhằm đầu tư xây dựng khu bến cảng gồm 4 cầu cảng chuyên dùng dài 510m:  Giai đoạn đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng cho tàu 3.000  ÷ 5.000 DWT, năng lực thông qua khoảng 0,2 - 0,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn đến hết năm 2022 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 cầu cảng chuyên dùng phía thượng lưu cho tàu 3.000  ÷ 5.000 DWT hoặc lớn hơn giảm tải, năng lực thông qua khoảng 1 - 1,4 triệu tấn/năm. Địa điểm thực hiện dự án  tại xã Triệu An (huyện Triệu Phong) thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Diện tích mặt đất sử dụng 18,75ha. Dự kiến đến quý IV/2020 sẽ đưa một số hạng mục công trình đi vào hoạt động.

Ngoài cảng biển tại khu Đông Nam đang chờ đón cú bứt tốc mang tính đột phá cho ngành Logictis Việt Nam thì đối với khu vực ven biển phía Đông Bắc, "Tam giác" du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn; trong đó, Tập đoàn FLC đang xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng ở vùng ven biển từ Cửa Tùng đến Cửa Việt, có quy mô hàng trăm ha. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn AE đã đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort – Cửa Tùng bao gồm các hạng mục như: Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách thực hiện từ năm 2018 – 2021.

Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Cửa Việt đột phá mới cho ngành Logistic Việt Nam - Ảnh 4.

AE Resort Cửa Tùng, Quảng Trị là phức hợp giải trí và nghỉ dưỡng, sở hữu chiều dài mặt biển lên đến 1.2km, có quy mô hơn 36 ha với tổng vốn đầu tư gần 2,000 tỷ đồng của tập đoàn AE sắp khởi công đầu năm 2019 (www.aeresort.net)


Trước cơ hội đón đầu hàng ngàn chuyên gia, quản lý cấp cao và công nhân trình độ cao đến Việt Nam làm việc tại Khu kinh tế ven biển Đông Nam; các tập đoàn Bất động sản cũng nhanh chóng có bước đi mới khi đầu tư hàng tỷ đô vào việc phát triển các sản phẩm Bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí, phục vụ và khai thác du lịch biển đảo, hứa hẹn tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho vùng đất giàu tiềm năng này.

H. Việt